Trung Quốc tuyên bố, du khách nước ngoài sẽ có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại các địa điểm ở Thế vận hội Mùa đông, tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 4/2 tới đây.
>>Nhân dân tệ kỹ thuật số "thách thức” tiền tệ trong khu vực
Trung Quốc đã đạt được một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đầy tham vọng khi phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC), bằng cách mở ứng dụng ví e-CNY để tải xuống công khai trong các cửa hàng ứng dụng iOS và Android tại nước này.
Trước đó, phiên bản thử nghiệm của ứng dụng Nhân dân tệ kỹ thuật số chỉ có thể tải xuống thông qua liên kết riêng tư và được sử dụng miễn phí. Nhưng đăng ký người dùng mới chỉ giới hạn ở các thành phố được chỉ định của Trung Quốc đang thử nghiệm như Thâm Quyến, Tô Châu, Xiongan, Thành Đô, Thượng Hải, Hải Nam, Trường Sa, Tây An, Thanh Đảo và Đại Liên, cũng như các địa điểm của Thế vận hội mùa đông năm nay do Bắc Kinh tổ chức.
Động thái này diễn ra chỉ vài tuần trước Tết Nguyên đán, khi người dân Trung Quốc có phong tục trao đổi quà tặng bằng tiền dưới dạng “bao lì xì” kỹ thuật số.
Có thể thấy, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nhằm thay thế tiền giấy và tiền xu đang được lưu hành. Tuy nhiên, các phương thức thanh toán kỹ thuật số thương mại như Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent Holdings - cả hai đều cho phép người dùng nạp tiền vào tài khoản, chuyển tiền và thanh toán bằng mã QR hoặc NFC giống như ứng dụng e-CNY đã rất phổ biến, vì thế người tiêu dùng cũng ít động lực để chuyển sang đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số hơn.
Ông Mu Changchun, người đứng đầu Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số cho biết, vào tháng 10/2021, khoảng 140 triệu cư dân Trung Quốc đã mở tài khoản Nhân dân tệ kỹ thuật số, với số giao dịch tích lũy đạt 62 tỷ Nhân dân tệ (9,7 tỷ USD) kể từ khi ra mắt.
Ngược lại, theo bản cáo bạch của Ant Group kể từ khi IPO, Alipay - dịch vụ thanh toán chính liên kết với chủ sở hữu Alibaba Group đã báo cáo 1,3 tỷ người dùng vào tháng 7/2020. Các khoản thanh toán được thực hiện thông qua Alipay đạt tổng cộng 118 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào cuối tháng 6 năm trước.
Vì vậy, để thu hút người dùng thử đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, các nhà chức trách Trung Quốc đã cung cấp tiền điện tử thông qua hình thức xổ số. Vào tháng 10/2020, Thâm Quyến đã phát hành 50.000 bao lì xì kỹ thuật số chứa 200 Nhân dân tệ mỗi bao. Hai tháng sau, Tô Châu cung cấp tổng cộng 20 triệu Nhân dân tệ kỹ thuật số cho 100.000 cư dân.
Trong khi ứng dụng ví e-CNY là nền tảng chính thức cho đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, còn được gọi là Thanh toán điện tử tiền tệ kỹ thuật số (DCEP), đồng tiền này cũng có thể truy cập thông qua ví điện tử của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Truyền thông, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, Ngân hàng Thương gia Trung Quốc, cũng như MYBank, được hỗ trợ bởi Ant Group và WeBank, do Tencent đồng sáng lập.
>>Nhân dân tệ kỹ thuật số có áp đảo được Alipay và WeChat Pay?
Bất chấp sự thúc đẩy mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương và sự chú ý của quốc tế đối với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, Trung Quốc vẫn chưa công bố thời gian biểu chính thức cho việc ra mắt chính thức DCEP. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nói rằng, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được cung cấp cho du khách nước ngoài mà không có tài khoản ngân hàng Trung Quốc trong Thế vận hội mùa đông, dự kiến bắt đầu vào ngày 4/2/2022.
Mặc dù ngày ra mắt chính thức của đồng tiền này vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng Bắc Kinh dường như đang tập trung vào việc đảm bảo việc phát hành và sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại Thế vận diễn ra suôn sẻ nhất có thể. Đây sẽ là cơ hội đầu tiên cho thế giới bên ngoài có cái nhìn thông thoáng hơn về tiền ảo.
Theo thông tin từ các cơ quan quản lý, du khách nước ngoài sẽ có thể sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán cho dịch vụ lưu trú và phương tiện đi lại trong các địa điểm chính của Thế vận hội. Các trò chơi cũng sẽ có các máy ATM có thể chuyển đổi ngoại tệ, bao gồm cả Đô la Mỹ thành tiền ảo của Trung Quốc, được mang trong thẻ Nhân dân tệ kỹ thuật số.
Một chuyên gia tài chính đánh giá, đây có thể là một cuộc chiến khó khăn đối với Bắc Kinh trong việc thuyết phục người dùng, đặc biệt là những người ở nước ngoài, sử dụng tiền ảo.
“Ngoài những lo lắng về khả năng giám sát người dùng của chính phủ, Bắc Kinh cũng sẽ phải cung cấp những lợi ích cụ thể để người dùng từ bỏ sự tiện lợi của việc sử dụng Alipay, vốn đã cho phép mọi người thực hiện nhiều dịch vụ thanh toán. Chưa kể việc các nước trong đó có Mỹ tẩy chay ngoại giao với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh cũng có thể làm lu mờ việc triển khai đồng tiền này”, vị chuyên gia dự báo.
Có thể bạn quan tâm