Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ cuối): Mô hình CBDC của Việt Nam

TS. LÊ ĐẠT CHÍ - ThS Trương Trung Tài - ThS Nguyễn Triều Đông (UEH)* 02/10/2021 04:40

Kinh nghiệm phát triển tiền số ở các nước cho thấy rằng nên có sự tham gia của các NHTM làm cầu nối cho quá trình phát hành tiền CBDC vào lưu thông được hiệu quả...

CBDC nên là tiền mật mã ổn định - stablecoin có “chủ quyền”

Việc sử dụng công nghệ tiền mật mã của các đồng tiền số tư nhân hiện nay có một yếu tố quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, đó là chủ quyền của tiền tệ không thuộc về NHTW mà thuộc về hệ thống mạng máy tính phi tập trung. Điều này sẽ khiến cho việc điều hành chính sách tiền tệ gặp rất nhiều khó khăn khi cần tăng hoặc giảm lượng cung tiền khẩn cấp. Trong một hệ thống tiền mật mã thuần tuý thì lượng cung tiền do thuật toán quy định và không thể thay đổi nếu chưa được số đông các máy tính đồng nhất ý kiến. Vì bản chất của blockchain phải mở và được quản trị bởi nhiều thực thể riêng biệt, đó là điều quan trọng trong công nghệ này, một số quốc gia bắt đầu nghiên cứu để kết hợp tiền mật mã với đồng tiền có chủ quyền.

CBDC

Phát hành CBDC dưới dạng stablecoin sẽ tránh được rủi ro gây bất ổn cho hệ thống tài chính vì sự tràn ngập tiền tệ tư nhân

Tiền mật mã có chủ quyền sẽ gần giống với một đồng tiền mật mã có giá trị ổn định theo tiền pháp định, thường được gọi là stablecoin. Đây là các đồng tiền tồn tại và được xử lý giao dịch trong mạng lưới blockchain nhưng giá trị thì được neo vào các đồng tiền pháp định của một quốc gia cụ thể.

Một ví dụ điển hình là Tether (USDT), đồng tiền mật mã ổn định hàng đầu thế giới tính theo vốn hóa thị trường tại thời điểm bài viết này được thực hiện. Mỗi đơn vị của Tether được “neo 1:1 với đôla" và “luôn luôn được đánh giá bởi Tether ở mức 1 đôla”. Do đó, “sự ổn định” của đồng tiền này (nếu mô tả này đáng tin cậy) dựa vào “khoản dự trữ” tài sản bao gồm “tiền mặt và các khoản tương đương tiền”, có thể bao gồm “các tài sản khác và các khoản phải thu từ các khoản cho vay được thực hiện bởi Tether đối với các bên thứ 3”. Các con số trong công bố đảm bảo của Tether định kỳ được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán uy tín trên thị trường. Đồng tiền Tether không cần thiết lập hệ thống blockchain riêng mà “cộng sinh” với các blockchain mạnh mẽ hiện đã có trên thị trường như Ethereum hoặc TronX, điều khiến cho Tether nhanh chóng trở thành đồng tiền ổn định phổ biến do không cần thiết lập mạng lưới blockchain riêng lẻ.

Điều quan trọng nhất đối với một stablecoin là khả năng minh bạch của lời hứa “hoán đổi 1:1 với tiền pháp định”. Nếu tổ chức phát hành là NHTW thì yếu tố này sẽ dễ dàng được thực hiện và không cần tiến hành kiểm toán định kỳ như đồng Tether. Phát hành CBDC dưới dạng stablecoin sẽ tránh được rủi ro gây bất ổn cho hệ thống tài chính vì sự tràn ngập tiền tệ tư nhân.

Phân bổ vai trò của NHTM trong hệ thống tiền tệ số

Ý tưởng khởi nguồn của tiền số thế hệ mới chính là loại trừ cơ chế trung gian tài chính như ngân hàng thương mại, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và hạn chế sự can thiệp của bên thứ ba trong giao dịch. Trong giả thiết của các nhà phát triển tiền số, nếu tiền tệ được số hoá toàn bộ thì vai trò truyền thống của NHTM sẽ dần mờ nhạt hoặc thậm chí biến mất khỏi hệ thống tài chính hiện đại. Tất cả hoạt động truyền thống của NHTM như huy động – cho vay, dịch vụ thanh toán, v..v sẽ bị thay thế bởi các hợp đồng thông minh “smart contract” với độ chính xác và trung thực gần như tuyệt đối. Các NHTM sẽ phải phân bổ nguồn lực với các thách thức để tồn tại và phát triển trong thời đại mới khi mà dịch vụ tài chính số được tự do và các số liệu tài chính được minh bạch.

Vai trò của NHTM trong thời đại mới có thể trở thành các nút (node) giao dịch của hệ thống blockchain – nơi sẽ xác thực giao dịch và được thưởng cho thành quả hoạt động của mình bằng những đồng tiền mới. Về mặt lý thuyết thì các NHTM vẫn đóng vai trò là trung gian cho việc thực thi chính sách tiền tệ khi tái phân phối cung tiền, tuy nhiên trong thực tế thì sẽ gánh vác thêm vai trò nền tảng kỹ thuật của hệ thống tiền tệ mới. Chi phí in ấn tiền sẽ được thay thế bằng chi phí giám sát và cải tiến hệ thống mã hoá cũng như các thuật toán cài đặt trên mạng lưới blockchain. Các ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò là các node chính (core node) còn các công ty cung cấp dịch vụ tài chính là các node phụ tiếp cận đến người dùng cuối. Một hệ thống tiền tệ số đảm bảo sự chuyển tiếp một cách an toàn từ hệ thống tiền tệ truyền thống 2 cấp (NHTW và NHTM) nên được khuyến khích phát triển hơn trong bối cảnh có nhiều rủi ro tiềm ẩn từ khía cạnh kỹ thuật của hệ thống chuỗi khối. 

Hoàn thiện thuật toán tối ưu của chính sách tiền tệ

Trong môi trường của tiền số thì toàn bộ dữ liệu chi tiêu, đầu tư, lãi suất, tỷ giá cũng như toàn bộ các dữ liệu lớn (big data) về tình hình tài chính của nền kinh tế được cập nhật ngay lập tức. Điều đó tạo động lực rất lớn cho việc thiết kế một chính sách tiền tệ “thông minh” tự điều chỉnh theo cung cầu tiền và các rủi ro tiềm ẩn. Một nền kinh tế có chính sách tiền tệ “tự động” sẽ giúp hệ thống tài chính ổn định và tự cân bằng trong giám sát của NHTW, nâng cao tính minh bạch, độc lập và hiệu quả điều hành.

Chính sách tiền tệ đa mục tiêu thường là một khiếm khuyết của kinh tế học truyền thống do nhà điều hành sẽ khó đưa ra quyết định khi có sự biến động của nhiều biến số trong nền kinh tế. Một hệ thống tiền tệ số sẽ giúp điều chỉnh cung tiền một cách nhịp nhàng, phù hợp, theo một thuật toán lập trình sẵn, được công bố rộng rãi, có sự giám sát từ mạng lưới, hệ thống tiền tệ hiện đại có khả năng cùng lúc giải quyết nhiều phương trình cân bằng và các bài toán tối ưu một cách nhanh chóng và chính xác nếu so sánh với sự chủ quan của con người.

Cải thiện tự do hoá dịch vụ tài chính vi mô

Một trong những sức mạnh thực sự của tiền số (tiền mật mã) thế hệ mới chính là giải phóng các ý tưởng về kinh doanh phi truyền thống với sự giúp sức của “hợp đồng thông minh”. Tất cả giao dịch trong nền kinh tế được lập trình trước và không cần sự can thiệp hoặc niềm tin thái quá của con người, các ý tưởng tài chính vi mô sẽ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Sự phát triển mạnh mẽ của tài chính vi mô sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển tài chính và trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này chỉ có thể đạt được nếu rào cản gia nhập thị trường tài chính được cởi bỏ, hành lang pháp lý được quy định rõ ràng, cũng như có cơ chế giám sát các hoạt động lừa đảo và phạm tội.

Một trong những lo ngại ban đầu của chính phủ các nước chính là tính ẩn danh của tiền số có thể hỗ trợ cho hoạt động phạm pháp và rửa tiền. Tuy nhiên những ngờ vực này đã nhanh chóng giảm đi khi họ hiểu được rằng hệ thống tiền số thực chất có tính năng chống hành vi tội phạm. Vì tất cả dữ liệu giao dịch đều được lưu trữ vĩnh viễn trong blockchain nên nhà điều tra có thể tiến hành truy vết (tracing) để lần ra các giao dịch mờ ám và thậm chí có thể thu hồi tang vật. Tháng 9/2013 nhờ truy vết các giao dịch phi pháp nên FBI của Mỹ đã bắt giữ được tên trùm buôn ma tuý và thu hồi gần 9,5 tỷ đôla giá trị bitcoin phạm pháp.

Các cơ chế sandbox (thử nghiệm) nên được khuyến khích để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của hệ thống tiền số. Những quy định của luật pháp sẽ được điều chỉnh sau quá trình thí điểm nhằm tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh và bền vững của tiền số CBDC. Các ứng dụng tiêu biểu của công nghệ tiền mật mã nên được khuyến khích rộng rãi để tính ứng dụng của CBDC đi sâu vào đời sống xã hội, giúp tăng tốc chuyển đổi số cho nền kinh tế thực.

Kết luận

Mối quan hệ mật thiết giữa công nghệ, tiền tệ và hệ thống thanh toán đã liên kết với nhau từ những ngày đầu tiên của nền văn minh nhân loại. Nhưng trong 2 thập niên qua, công nghệ đã định hình lại hệ thống tiền tệ và hệ thống thanh toán ở mức độ cao và nhanh chóng chưa từng thấy. Tiền kỹ thuật số thế hệ mới đã thách thức các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý trên toàn cầu, đại diện cho mối đe dọa thực sự đối với hệ thống tài chính truyền thống và chậm đổi mới. Tuy nhiên đó lại là cơ hội để những nước đang phát triển tiến hành cuộc cách mạng đổi mới hệ thống tiền tệ nhằm đi tắt đón đầu thời đại mới: nơi mà mọi thứ được chuyển đổi số.

Trong các cách triển khai CBDC đã thảo luận, các thông số chính của việc lựa chọn mô hình tiền số cụ thể cần được xác định bởi tính hiệu quả và an toàn, hỗ trợ các quyết định của các NHTW và cơ quan quản lý. Theo mô hình này, các loại tiền tệ ổn định - stablecoin có khả năng là mô hình lõi (base model) để NHTW xây dựng các đồng tiền kỹ thuật số ở mỗi quốc gia và khu vực. Kinh nghiệm phát triển tiền số ở các nước cho thấy rằng nên có sự tham gia của các NHTM làm cầu nối cho quá trình phát hành tiền CBDC vào lưu thông được hiệu quả, bên cạnh đó cần phát triển thị trường sử dụng các CBDC để người dân có thể làm quen với cách sử dụng tiền số. Việc phát triển và cho ra mắt đồng tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ trở nên cấp thiết hơn nữa trong tương lai khi đa số các quốc gia trên thế giới bắt đầu triển khai đồng tiền số, cái giá cho sự e ngại thay đổi cải tiến chính là chúng ta sẽ bị tụt hậu trong kinh tế và sức ảnh hưởng trong cộng đồng kinh tế số thời đại mới.

*Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP HCM

Có thể bạn quan tâm

  • Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 5): Tiền ổn định tư nhân Diem

    Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 5): Tiền ổn định tư nhân Diem

    05:00, 30/09/2021

  • Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 4): Một số tiền CBDC tiêu biểu

    Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 4): Một số tiền CBDC tiêu biểu

    04:30, 29/09/2021

  • Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 3): Tiền số của Ngân hàng Trung ương

    Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 3): Tiền số của Ngân hàng Trung ương

    05:00, 24/09/2021

  • Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 2): Những cột mốc phát triển

    Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 2): Những cột mốc phát triển

    12:00, 22/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ cuối): Mô hình CBDC của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO