Truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 từ các "ổ chứa" động vật
Thế giới đang đẩy nhanh tiến độ tìm ra các ổ chứa virus để ngăn chặn những đại dịch tiếp theo trong tương lai.
>>Thêm phát hiện mới về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, 15 bang nước này đã ghi nhận trường hợp hươu đuôi trắng nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học tại Đảo Staten, New York, gần đây cũng lần đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron rất dễ lây lan giữa loài vật này.
Mặc dù Covid-19 không có nguồn gốc từ loài hươu, song mức độ nghiêm trọng của sự tồn tại virus ở hươu đối với con người vẫn chưa rõ ràng. Trên thực tế, giới khoa học cũng chưa thể đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus ở loài động vật này.
Do đó việc giám sát loài hươu là vô cùng khẩn cấp. Hươu có thể hoạt động như một ổ chứa virus lớn và là nguồn xuất hiện các biến thể mới, sau đó có thể lây truyền sang người. Mục tiêu sắp tới của các nhà khoa học là tìm hiểu xem liệu Covid-19 có lây lan từ người sang hươu qua nước thải hay không. Điều này sau đó sẽ cho phép giới chức y tế đưa ra giải pháp bảo vệ các bãi rác thải để ngăn ngừa virus lây lan từ người sang động vật hoang dã.
Có thể thấy, đây không phải là nỗ lực duy nhất của các nhà nghiên cứu trong việc ngăn chặn nguy cơ đại dịch tiếp theo xảy ra thông qua việc nghiên cứu các loài động vật trong tự nhiên. Trong các mạng lưới theo dõi virus lây truyền từ động vật sang người có dự án ZooCov do Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp (CIRAD) của Pháp điều phối được tiến hành tại hai tỉnh Mondolkiri và Stung Treng (Campuchia).
Dự án ra mắt vào tháng 4/2020 và kết thúc vào tháng 10/2021 nhằm giảm nguy cơ lây truyền betacoronavirus từ động vật hoang dã sang người. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ động vật hoang dã và người dân địa phương để hiểu rõ các chuỗi lây nhiễm virus.
Ngoài ra, một trong những dự án hợp tác vốn được nhiều người biết đến là dự án Predict của USAID. Năm 2018, TS Simon Anthony ở Đại học Columbia (Mỹ) đã tham gia vào dự án này. Dự án ra đời năm 2009 và hoạt động trong 10 năm đã phát hiện hơn 1.000 loại virus mới có nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người. Tuy nhiên, dự án chỉ tập trung vào 5/71 họ virus và vài chục điểm nóng.
Theo TS Anthony đánh giá, "Một số bệnh phổ biến nhất và nguy hiểm nhất của con người là do vi khuẩn hoặc virus có nguồn gốc động vật gây ra. Trong những thập kỷ gần đây, xu hướng này chỉ gia tăng, với ước tính khoảng 70% mầm bệnh mới xuất hiện và tái xuất hiện đến từ động vật. Do đó, việc gây dựng nền tảng kiến thức để cải thiện dự báo dịch bệnh tốt hơn là việc cần thiết".
Bên cạnh đó, việc tập trung vào một số loài động vật thích hợp cũng góp phần xác định các phương pháp điều trị và tăng cường hiệu quả cho các vaccine phòng Coviid-19 hiện nay. Trên thực tế, một số loài động vật đã được sử dụng trong việc nghiên cứu thuốc đặc hiệu cho Covid-19 .
>>Tình báo Mỹ hé lộ kết quả điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Cho đến nay, việc kiểm soát virus lây lan giữa các loài động vật thường rất khó hoặc không thể thực hiện được. Nhiều bằng chứng virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan giữa người với người dù đã có công cụ bảo vệ như vaccine. Các nhà khoa học cũng đã kêu gọi cần phải nhân đôi nỗ lực vào việc nghiên cứu sức khỏe động vật hoang dã, để tìm hiểu những bí mật đang diễn ra trong môi trường tự nhiên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ virus lây lan từ động vật sang người là rất thấp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc không có khả năng lây lan từ động vật sang người. Jennifer, bác sĩ thú y về động vật hoang dã, kêu gọi thợ săn động vật hoang dã phải đeo găng tay và giữ vệ sinh.
Việc nâng cao cảnh giác và sàng lọc các loài động vật có nguy cơ lây truyền bệnh cao có thể ngăn chặn sự lây nhiễm giữa người và động vật, cũng như loại bỏ tất cả các nguồn virus tiềm ẩn khác.
"Còn quá sớm để tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Biến thể Omicron có thể tiếp tục lây lan sang động vật và đột biến. Do đó, chúng ta không thể mất cảnh giác và phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chẳng hạn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh việc nghiên cứu nguồn gốc virus để ngăn chặn những đại dịch lớn tiếp theo trong tương lai", bác sĩ thú y về động vật hoang dã nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thêm phát hiện mới về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
03:37, 27/09/2021
Tình báo Mỹ hé lộ kết quả điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2
09:20, 28/08/2021
Chợ động vật ở Vũ Hán có liên quan gì đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2?
05:00, 11/06/2021
Mỹ - Trung tiếp tục "nóng" tranh cãi nguồn gốc virus SARS-CoV-2
05:15, 28/05/2021