Toan tính của Nga và Trung Quốc tại "sân sau" của Mỹ

CẨM ANH 21/02/2022 05:00

Sự chuyển hướng tập trung vào khu vực Mỹ Latinh của Nga và Trung Quốc đang ngày một tăng lên đã đặt ra thách thức mới cho Mỹ bên cạnh vấn đề Ukraine.

>>Căng thẳng Nga - Ukraine: Cơ hội cho Tổng thống Joe Biden

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Tổng thống Venezuela

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại điện Kremlin năm 2019

Vừa qua, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã có chuyến công du tới Moscow và Bắc Kinh. Tại thủ đô của Nga, ông tuyên bố rằng Argentina nên là cánh cửa thâm nhập của Nga vào khu vực Mỹ Latinh. Tại Trung Quốc, ông tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường Trung Quốc, công bố các khoản đầu tư của Trung Quốc vào đất nước lên tới hơn 23 tỷ USD trong những năm tới.

Trước đó, vào tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các hoạt động tăng cường quan hệ với các chính phủ tại khu vực Mỹ Latinh như tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nicaragua Daniel Ortega, chúc mừng ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp sau cuộc bầu cử; cũng như trao đổi với Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Giới quan sát đang đặt câu hỏi, với những sự kiện đang diễn ra liên tiếp có phải dấu hiệu cho thấy Mỹ Latinh đang rời xa Mỹ và phương Tây để chuyển sang một khu vực khác hay không?

Có thể thấy, mục tiêu lớn bao trùm chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga: Mở rộng ảnh hưởng đến những khu vực xa xôi, đưa Moskva trở lại vị thế cường quốc có khả năng thách thức Washington. Trong khi đó, với Bắc Kinh, hợp tác về thương mại, đầu tư và tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng lên liên tục trong những năm qua. Điều này khiến Mỹ cảm thấy rằng Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện ở sân sau truyền thống của mình và tạo ra một số thách thức.

Trên thực tế, Mỹ Latinh đã trở nên khác so với vài năm trước, và có lý do để nghĩ rằng việc gia tăng tầm ảnh hưởng từ Moscow và Bắc Kinh không phải là điều hoàn toàn xa vời. "Thủy triều hồng mới" là cụm từ được sử dụng để mô tả làn sóng trỗi dậy của các chính phủ cánh tả mới ở Mỹ Latinh, bắt đầu từ năm 2018 với chiến thắng của ông Andrés Manuel López Obrador ở Mexico, tiếp tục vào năm 2019 với Tổng thống Argentina Fernández và sau đó là năm 2021 với ông Luis Arce ở Bolivia , Pedro Castillo ở Peru và Gabriel Boric ở Chile. Tháng 5 tới đây, nhiều khả năng ứng cử viên Gustavo Petro có thể đắc cử Tổng thống Colombia. Và chiến thắng cho ứng cử viên Lula ở Brazil sẽ là dấu mốc cuối cùng.

Tất cả các nhà lãnh đạo đều tự cho mình là trung tả hoặc tiến bộ và có nhiều điểm chung, một trong số đó là lập trường chống Mỹ. Cùng với đó, quan hệ của Mỹ và các nước Mỹ Latinh dưới thời Tổng thống Biden không có nhiều sự tương tác như thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo Dong Jingsheng, Phó giám đốc nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Bắc Kinh nhận định, nếu Nga và Trung Quốc cùng phối hợp tăng cường hợp tác để gia tăng đầu tư trên lĩnh vực kinh tế và củng cố tiềm lực quân sự cho các nước tại khu vực Mỹ Latinh, đây sẽ là cơ hội để những quốc gia này thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ.

>>Trung Quốc và thế cuộc Nga - Ukraina

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina đầu tháng 2/2022

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina đầu tháng 2/2022

Mặc dù vậy, bất chấp những nỗ lực của Nga và Trung Quốc, Mỹ vẫn sự gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ Latinh. Năm 2019, giá trị xuất khẩu của khu vực Nam Mỹ sang Nga đạt 5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 66 tỷ USD sang Mỹ và 119 tỷ USD sang Trung Quốc, theo dữ liệu của Đại học Harvard.

Các quan chức Nhà Trắng cũng đang xem xét các động thái mới nhất của Nga một cách nghiêm túc hơn. Tại Quốc hội, một dự luật lưỡng đảng do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio của Florida trình bày, được gọi là "Dự luật Chiến lược An ninh Tây bán cầu năm 2022", kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở Mỹ Latinh và Caribe.

Chính quyền Biden sẽ có cơ hội lớn để cải thiện quan hệ với các nước Mỹ Latinh vào tháng 6, khi Tổng thống Biden dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tây Bán cầu tại Los Angeles.

Nhưng nếu xảy ra một cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, rất có thể Nga sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Mỹ Latinh. Căng thẳng giữa các cường quốc tại đây sẽ là một tin xấu đối với khu vực này khi làm gia tăng sự chia rẽ chính trị và cản trở quá trình hội nhập kinh tế của các quốc gia; cũng như gây khó khăn cho các nước Mỹ Latinh trong việc kết hợp sản xuất và xuất khẩu với quy mô lớn sang các thị trường lớn nhất thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Mỹ - Nga “dị mộng” về Ukraina?

    Vì sao Mỹ - Nga “dị mộng” về Ukraina?

    05:14, 16/02/2022

  • Dấu hiệu

    Dấu hiệu "tăng nhiệt" trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

    14:46, 11/02/2022

  • Trung Quốc và thế cuộc Nga - Ukraina

    Trung Quốc và thế cuộc Nga - Ukraina

    04:50, 20/02/2022

  • Căng thẳng Nga - Ukraine: Cơ hội cho Tổng thống Joe Biden

    Căng thẳng Nga - Ukraine: Cơ hội cho Tổng thống Joe Biden

    03:34, 20/02/2022

CẨM ANH