Nga liên tiếp nhận phản đối từ cộng đồng quốc tế
Tiếp tục triển khai tấn công quân sự tại Ukraine, Nga liên tục nhận sự phản đối và lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
>>Từ Ukraine bàn về triết lý “ngoại giao cây tre”
Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết sẽ ngay lập tức mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine. Hiện số lượng các quốc gia gửi yêu cầu điều tra đang ở mức cao chưa từng có.
"Các cuộc điều tra tích cực sẽ chính thức bắt đầu ở Ukraine sau khi nhận được yêu cầu của 39 quốc gia thành viên", công tố viên Karim Khan viết trên Twitter. Mặc dù Nga không phải là thành viên của ICC và từ chối quyền tài phán của tòa. Tuy nhiên, ICC có thể điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine bất kể quốc tịch của các nghi phạm.
Trước đó trong phiên họp bất thường của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, 141 trong số 193 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Trung Quốc nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có 5 quốc gia bỏ phiếu chống, bao gồm Nga, Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria.
Nghị quyết lên án việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine và quyết định của Tổng thống Vladimir Putin trong việc đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động. Đồng thời, nghị quyết "yêu cầu Nga lập tức rút tất cả lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine, trong đường biên giới được quốc tế công nhận, toàn diện và vô điều kiện".
Mặc dù Nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc đối với thành viên Liên Hợp Quốc nhưng có khả năng tác động chính trị.
Reuters đưa tin, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc các nước phương Tây gây sức ép lên các thành viên Đại hội đồng để thông qua nghị quyết. Ông cho rằng việc này có thể đổ thêm dầu vào lửa.
Ngay sau khi Nghị quyết của Liên Hợp Quốc được đưa ra, Tổng thống Venezuela chỉ trích lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga là điên rồ, trong khi Mexico, Brazil và Trung Quốc cũng từ chối tham gia trừng phạt Moskva.
"Những gì họ đang làm chống lại người dân Nga là tội ác, một cuộc chiến tranh kinh tế", ông Nicolas Maduro nhấn mạnh và nói thêm. "Các cuộc chiến tranh kinh tế phải kết thúc. Các vấn đề của thế giới phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, chính trị. Hòa bình thế giới phải được gìn giữ".
>>Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
Trao đổi về việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng, đặc phái viên của Trung Quốc Zhang Jun cho biết rằng Nghị quyết đã không trải qua sự tham vấn đầy đủ với toàn bộ thành viên của Đại hội đồng.
Ông nói: “Nghị quyết cũng không xem xét đầy đủ về lịch sử và sự phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện tại. Nó không nêu bật tầm quan trọng của nguyên tắc an ninh không chia cắt, hoặc sự cấp thiết của việc thúc đẩy giải quyết các xung đột thông qua đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao”. Điều này không phù hợp với các lập trường nhất quán của Trung Quốc".
Có thể thấy, cuộc chiến với Ukraine đang diễn biến ngày một phức tạp hơn khi các quốc gia trên toàn cầu tăng cường các nỗ lực trừng phạt Nga. Hiện thế giới đang theo dõi và chờ đợi về kết quả cuộc đàm phán lần hai giữa Nga và Ukraine.
Theo ông Vladimir Medinsky, Cố vấn của Tổng thống Nga, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán Nga trao đổi với báo chí, dự kiến các vấn đề liên quan đến lệnh ngừng bắn và hành lang nhân đạo sẽ được thảo luận trong cuộc trao đổi.
"Chúng tôi đã thảo luận về lập trường của mình trong những cuộc đàm phán trước đó. Nga thúc đẩy một số sáng kiến liên quan đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức", ông Vladimir Medinsky trả lời.
Có thể bạn quan tâm
Đòn trừng phạt Nga có thể kích hoạt cuộc cạnh tranh giữa Vàng và Bitcoin
12:00, 03/03/2022
Từ Ukraine bàn về triết lý “ngoại giao cây tre”
11:00, 03/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
08:43, 03/03/2022
Hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó trở thành "SWIFT mới" cho Nga
05:30, 03/03/2022