Căng thẳng Nga - Ukraine mở rộng tác động trên nhiều lĩnh vực
Căng thẳng Nga - Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá.
>>Nga liên tiếp nhận phản đối từ cộng đồng quốc tế
Bán CLB bóng đá Chelsea
Mới đây, tỉ phú Roman Abramovich ra thông báo xác nhận bán đội bóng Chelsea sau gần 20 năm sở hữu. Trong thông báo, ông Abramovich cho biết: “Tôi muốn giải quyết những tin đồn gần đây trên các phương tiện truyền thông liên quan đến quyền sở hữu CLB của tôi. Như đã nói, tôi luôn đưa ra quyết định vì lợi ích cao nhất của CLB. Trong tình hình hiện nay, tôi quyết định bán CLB Chelsea vì tôi tin điều này sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho CLB, CĐV, nhân viên, nhà tài trợ và các đối tác của đội bóng”.
Đồng thời, tỷ phú người Nga cũng tiết lộ, ông đã chỉ định đội ngũ của mình thành lập một quỹ từ thiện với nguồn thu từ lợi nhuận bán CLB. Quỹ này sẽ hỗ trợ cho tất cả nạn nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nhu cầu trước mắt là cần hỗ trợ các nạn nhân và các công việc phục hồi lâu dài.
Theo nhiều nguồn tin cho biết, trước đó, ông Roman Abramovich không muốn bán Chelsea nhưng do những căng thẳng chính trị đối với Nga đang dậy sóng, nên việc ông tiếp tục sở hữu CLB có thể khiến The Blues gặp khó khăn, trong đó có việc Quốc hội Anh đã lên tiếng kêu gọi các lệnh trừng phạt nhắm vào Quỹ từ thiện của Chelsea. Chính vì thế, Chủ tịch của CLB đã buộc phải có những động thái cứng rắn để tìm kiếm sự bình yên cho CLB.
Mặc dù tỷ phú người Nga trao lại quyền sở hữu CLB cho quỹ từ thiện của Chelsea. Tuy nhiên, khi rời ghế và trao lại quyền điều hành câu lạc bộ cho Quỹ từ thiện, thực chất Abramovich vẫn nắm trong tay quyền kiểm soát toàn bộ. Do đó, những sức ép từ giới chức Anh buộc ông phải "biến mất" hẳn, không được dính líu gì đến Chelsea nữa.
Hiện tại, ông Abramovich đặt ra mức giá khoảng 3 tỷ Bảng cho thương vụ này. Truyền thông Anh đưa tin, tỷ phú người Thụy Sĩ, Hansjorg Wyss (người đang sở hữu tài sản 4,3 tỷ bảng) cùng nhóm đầu tư của mình đang đàm phán mua lại CLB Chelsea.
>>Từ Ukraine bàn về triết lý “ngoại giao cây tre”
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Có thể thấy, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt, cuộc khủng hoảng cũng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc như lúa mỳ, ngô hay hạt có dầu khi gây gián đoạn xuất khẩu từ các cảng trên Biển Đen, nơi được sử dụng để vận chuyển ngũ cốc đến châu Á, châu Phi và EU.
Ông Jason Tuvey từ Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường Capital Economics đánh giá, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu là rủi ro chính. Trong ngắn hạn, giá của những hàng hóa này có thể sẽ vẫn giữ ở mức cao trong khoảng một thời gian nữa, khiến lạm phát toàn cầu tăng. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR), cũng nhận định cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến nền kinh tế thế giới mất 1.000 tỷ USD và lạm phát toàn cầu tăng 3% trong năm nay. Châu Âu được dự đoán là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mối liên kết kinh tế chặt chẽ của họ với Nga và Ukraine.
Kinh tế Nga điêu đứng
Mặc dù Nga sẽ phần nào tránh được suy thoái kinh tế vì ảnh hưởng kinh tế từ các lệnh trừng phạt sẽ “một phần được bù đắp bởi giá xuất khẩu khí đốt và dầu cao hơn”. Tuy nhiên trong thời gian trước mắt, kinh tế Nga đã và đang trải qua những thiệt hại vô cùng lớn, như thị trường chứng khoán liên tục "bốc hơi". Cổ phiếu tập đoàn dầu mỏ Rosneft bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các doanh nghiệp quốc doanh Nga khi ghi nhận mức giảm tới 20%, theo sau là Tập đoàn khí đốt Gazprom với mức giảm 16%.
Công ty tư vấn rủi ro thị trường Capital Economics (Anh) cho rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây thông thường có thể làm giảm 1% GDP của Nga, nhưng những biện pháp mạnh tay hơn như loại nước này ra khỏi hệ thống SWIFT có thể làm giảm tới 5% GDP của Nga.
Nhiều chuyên gia dự báo GDP của nước này sẽ thấp hơn 2,6% so với dự báo trước đó tính đến cuối năm 2023, với sự sụt giảm của đồng Rúp có thể đẩy lạm phát lên tới 20%.
Doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Nga
Chiến sự Nga- Ukraine đang và đang tác động mạnh đến kinh tế Nga, khiến chứng khoán giảm điểm, đồng Rúp trượt giá mạnh, làm cho nhiều công ty nước ngoài ồ ạt rút khỏi Nga, đảo ngược xu hướng doanh nghiệp nước ngoài tìm cách rót vốn vào nước này trong 3 thập kỷ qua.
Theo thống kê, số doanh nghiệp cắt đứt quan hệ kinh doanh hoặc xem xét lại hoạt động ở Nga đã và đang không ngừng gia tăng, trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh phương Tây liên tục triển khai các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có việc đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT.
Chiến sự Nga-Ukrain gây thiệt hại lớn
Cho đến thời điểm hiện tại, chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang ngày thứ tám. Lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này.
Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Ukraine nói rằng, các cuộc tấn công của Nga tuần qua đã khiến hơn 2.000 dân thường thiệt mạng, nhưng con số này chưa được kiểm chứng độc lập. Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo 498 lính Nga đã thiệt mạng và 1.597 binh sĩ bị thương, đồng thời hạ 2.800 lính Ukraine. Lực lượng Nga đạt thêm bước tiến ở miền nam Ukraine, kiểm soát và bao vây một số thành phố, trong đó có Kherson, nơi chiếm vị trí chiến lược trên cửa ngõ ra Biển Đen.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp phân bón chịu tác động từ căng thẳng Nga- Ukraine
14:55, 03/03/2022
Từ Ukraine bàn về triết lý “ngoại giao cây tre”
11:00, 03/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
08:43, 03/03/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Hai bên sẵn sàng tiến hành vòng đàm phán lần hai
04:19, 03/03/2022