Nhịp sống thế giới từ 14-19/3

CẨM ANH 19/03/2022 03:03

Đàm phán Nga-Ukraine lần thứ tư; Tổng thống Mỹ-Trung tiến hành điện đàm; RCEP chính thức có hiệu lực tại Malaysia... là những tin tức đáng chú ý.

>>Nhịp sống thế giới tuần từ 7-11/3

1. Ukraine và Nga tiến hành vòng đàm phán thứ tư

Cố vấn của Tổng thống Ukraine đồng thời là thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết vòng đàm phán thứ 4 theo hình thức trực tuyến giữa Ukraine và Nga đang diễn ra dù có khó khăn.

Đây là vòng đàm phán thứ tư giữa Ukraine và Nga kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Ba cuộc đàm phán trước đó được tổ chức tại Belarus theo hình thức trực tiếp. Trước khi đàm phán bắt đầu, ông Podolyak cho biết vòng đàm phán mới này tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, rút quân và đảm bảo an ninh cho Ukraine.

2. RCEP chính thức có hiệu lực với Malaysia từ ngày 18/3

Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) ra thông cáo về việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia. RCEP sẽ tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu rộng hơn vào nền thương mại - đầu tư tự do toàn cầu nhờ xóa bỏ khoảng 90% thuế quan giữa các nước thành viên.

3. Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine cần tìm kiếm các hình thức hợp tác mới với phương Tây và sự đảm bảo an ninh.

4. EU tước bỏ quy chế Tối huệ quốc của Nga tại WTO

Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Sau cùng, Nga có quyền quyết định có khởi kiện các thành viên được đề cập hay không, nếu nước này cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm. Việc rút bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác. Mỗi thành viên WTO đã chọn rút quy chế MFN đối với Nga được tự do áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại nào mà họ muốn.

5. EU hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do giá nhiên liệu tăng vọt

Các bộ trưởng tài chính EU đã nhất trí trợ giá nhiên liệu cho các hộ gia đình và hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng cuộc cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chiến lược chung dựa trên những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm nới lỏng những hạn chế về việc hỗ trợ của chính phủ các nước thành viên EU để giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến tình hình ở Ukraine.

>>Nhịp sống thế giới từ 28/2 - 5/3

6. Nhật Bản sẽ mở kho dầu dự trữ lần thứ ba

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo vào ngày 8/4 tới sẽ tổ chức bán đấu giá khoảng 1,89 triệu thùng dầu thô (tương đương 300 triệu lít dầu) từ kho dự trữ quốc gia. Đây là đợt "xả kho" thứ ba và cũng là cuối cùng của Nhật Bản theo đề nghị phối hợp của Mỹ nhằm hạ nhiệt giá dầu thế giới.

7. Tắc nghẽn tại các cảng biển Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Hiện các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở cửa, song số lượng tàu container đang neo chờ cập bến ngày càng tăng. Một số tàu thậm chí phải chuyển hướng sang các cảng khác để việc giao nhận hàng không bị chậm trễ.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy hiện có 34 tàu container đang xếp hàng chờ vào cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến – cảng container lớn thứ 4 thế giới, so với trung bình 7 tàu cách đây một năm. Tại cảng Thanh Đảo ở miền Đông Trung Quốc, khoảng 30 tàu vẫn chưa thể cập bến, trong khi con số này một năm trước đó cũng chỉ là 7.

8. Lạm phát tại Canada xác lập kỷ lục cao mới trong ba thập kỷ

Theo Cơ quan Thống kê Canada, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2022 đã tăng 5,7% so với một năm trước đó, ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 8/1991, và cũng là tháng thứ 11 liên tiếp lạm phát vượt mục tiêu 1-3% đã gây thêm áp lực với Ngân hàng trung ương Canada (BoC) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương hiện đang cố gắng giảm lạm phát. Cả BoC và Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay và năm tới. 

9. ASEAN khởi động đàm phán nâng cấp hiệp định ATIGA

Nhằm tăng tốc phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 28 đã khởi động các cuộc đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) vốn được các nước thành viên ASEAN (AMS) triển khai từ năm 2010 nhằm đảm bảo rằng ASEAN vẫn thích hợp, hiện đại, hướng tới tương lai và phản ứng nhanh hơn trước các diễn biến trong khu vực và toàn cầu, đồng thời có thể góp phần tăng hiệu quả khai thác ATIGA của các doanh nghiệp nhằm hưởng lợi từ hội nhập khu vực.

10. Lãnh đạo Mỹ - Trung tiến hành điện đàm

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào lúc 13h00 GMT (tức 20h00 theo giờ Việt Nam) ngày 18/3. Thông báo Nhà Trắng cho biết: "Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về vấn đề quản lý cạnh tranh giữa hai nước, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm".

Có thể bạn quan tâm

  • Nhịp sống thế giới tuần từ 7-11/3

    Nhịp sống thế giới tuần từ 7-11/3

    03:00, 12/03/2022

  • Nhịp sống thế giới từ 28/2 - 5/3

    Nhịp sống thế giới từ 28/2 - 5/3

    03:57, 05/03/2022

  • Nhịp sống thế giới tuần từ 21-26/2

    Nhịp sống thế giới tuần từ 21-26/2

    02:11, 26/02/2022

  • Nhịp sống thế giới tuần từ 14-18/2

    Nhịp sống thế giới tuần từ 14-18/2

    05:00, 19/02/2022

CẨM ANH