Căng thẳng Nga - Ukraine "phủ bóng" lên hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn

CẨM ANH 25/03/2022 03:05

Giới chuyên gia nhận định, các hội nghị thượng đỉnh của EU, NATO và G7 sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào xung đột Nga- Ukraine.

>>Chiến sự Nga - Ukraine: NATO bắt đầu tham chiến?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels dự

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels đế tham dự các cuộc Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng với các nhà lãnh đạo cấp cao của châu Âu

Cụ thể, Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể đạt đồng thuận trong việc gia tăng hoạt động quân sự để củng cố an ninh khu vực, viện trợ khí tài và nhân đạo cho Kiev. Tuy nhiên, việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Moscow như cấm vận dầu mỏ hay loại Nga khỏi Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) vẫn là dấu hỏi lớn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nêu rõ: “Chúng tôi có một khái niệm về an ninh nội địa và điều đó đã được công bố. Bạn có thể thấy có rất nhiều lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu có một mối đe dọa hiện hữu với đất nước của chúng tôi thì vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo khái niệm mà chúng tôi đã đưa ra”.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng sẽ họp nhóm để đánh giá những diễn biến gần đây về tình hình trên thực địa ở Ukraine, đặc biệt là về tình hình nhân đạo và người tị nạn. EU vẫn cam kết với Ukraine và đang nỗ lực cung cấp hỗ trợ về chính trị, tài chính, vật chất và nhân đạo, cũng như hỗ trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn bạc về an ninh và quốc phòng, xây dựng trên Tuyên bố Versailles và tính đến tình hình an ninh mới ở châu Âu.

Trong bối cảnh này, EU sẽ thống nhất về cách thức có thể hành động nhanh chóng và quyết đoán hơn khi đối mặt với khủng hoảng, đồng thời bảo vệ lợi ích công dân của mình. Hội nghị cũng đề cập các khoản đầu tư quốc phòng và các công cụ tài chính.

Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu dự kiến sẽ thông qua Định hướng chiến lược, một sáng kiến nhằm tăng cường các chính sách an ninh và quốc phòng của EU xung quanh các chủ đề quản lý khủng hoảng, năng lực quốc phòng, khả năng phục hồi và quan hệ đối tác.

Cho đến thời điểm hiện tại, EU đang chưa đạt được sự đồng thuận trong việc gia tăng thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Trước đó, có ý kiến cho rằng, EU cần ngay lập tức cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga hay chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Moscow, nhằm gia tăng áp lực kinh tế.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng một số nước EU thừa nhận, nếu cắt đứt ngay lập tức nguồn cung năng lượng từ Nga, nền kinh tế các nước này sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với việc gia tăng đói nghèo và thất nghiệp.

Một số nhà ngoại giao hy vọng EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế vào tháng 6 tới để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu của Nga. Trước đó, Điện Kremlin cũng đưa ra cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt năng lượng như vậy có thể khiến nước này đóng đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu. 

>>Chiến sự leo thang tại Ukraine, Mỹ và NATO đồng loạt chỉ trích Nga

Dự kiến sẽ có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine được bàn thảo tại cuộc họp của NATO

Dự kiến sẽ có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine được bàn thảo trong cuộc họp của NATO

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguồn tin cho rằng, tại các cuộc họp Thượng đỉnh quan trọng lần này, Mỹ và đồng minh sẽ đánh giá liệu Nga có nên tiếp tục là thành viên G20 sau chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không.

Tuy nhiên, Reuters cho biết, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh nỗ lực loại Nga khỏi G20 sẽ bị nhiều nền kinh tế trong nhóm phủ quyết, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Arab Saudi và những nước khác, làm dấy lên lo ngại một số thành viên sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị G20 năm nay.

Được biết, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ kết quả của các cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo. Theo Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định trong một bài bình luận mới nhất “Các điểm áp lực đang tăng trở lại khi bầu không khi căng thẳng vẫn đang bao trùm và chưa có thêm những tín hiệu tích cực cho thấy cuộc chiến tại Nga và Ukraine sẽ dừng lại. Do đó, những thông báo sau các cuộc hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ tác động lướn đến các thị trường trong thời gian tới".

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: NATO bắt đầu tham chiến?

    Chiến sự Nga - Ukraine: NATO bắt đầu tham chiến?

    08:39, 24/03/2022

  • NATO 2.0 đã ra đời ở châu Âu?

    NATO 2.0 đã ra đời ở châu Âu?

    03:00, 24/03/2022

  • Chiến sự leo thang tại Ukraine, Mỹ và NATO đồng loạt chỉ trích Nga

    Chiến sự leo thang tại Ukraine, Mỹ và NATO đồng loạt chỉ trích Nga

    12:17, 24/02/2022

  • NATO trên đường đến tan rã

    NATO trên đường đến tan rã

    10:44, 30/10/2021

CẨM ANH