Với sự ra đời của quân đội chung châu Âu, sự tồn tại của NATO chỉ có thể tính bằng ngày.
Ngày 21/10, 5 quốc gia châu Âu là Đức, Slovenia, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Phần Lan đã soạn thảo một văn kiện, trong đó, ủng hộ việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh toàn châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Pháp E. Macron đề xuất “sáng kiến can thiệp châu Âu” độc lập với lực lượng của Mỹ, thực chất là quân đội chung của châu Âu dự kiến ban đầu khoảng 20.000 binh sĩ với đầy đủ các lực lượng chiến đấu.
Với tầm nhìn chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), việc ra đời của lực lượng quân sự chung là tất yếu bên cạnh quốc gia chung, luật pháp chung, mậu dịch chung, đồng tiền chung và công dân chung.
Pháp và Đức - những thành viên lớn của NATO bày tỏ ủng hộ nhiệt thành với đề xuất thành lập quân đội chung, Paris và Berlin không coi đây là đối trọng với Mỹ, cũng không nhằm mục đích thay thế NATO. Thực tế có phải như vậy?
Việc duy trì đạo quân chung của vài chục quốc gia không hề đơn giản, trên lý thuyết vài thập kỷ qua châu Âu dựa vào NATO để bảo đảm an ninh quốc phòng, chính “lục địa già” là mảnh ghép không thể thiếu trong tổ chức này, chiếm phần lớn thành viên và kinh phí đóng góp.
Cựu Tổng thống Trump từng đặt vấn đề về NATO, cho rằng nước Mỹ bị lợi dụng, yêu cầu các thành viên tăng chi phí quốc phòng lên ít nhất 2% GDP, chỉ có 8/27 thành viên đáp ứng được khoản tiền này.
Thực ra tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương là kênh kiếm tiền và duy trì nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ, chi tiêu từ các thành viên càng tăng càng có nhiều hợp đồng mua bán vũ khí được ký kết với Mỹ, bên cạnh khoản phí trả cho Washington để được bảo vệ, can thiệp khi có xung đột với bên thứ 3.
EU nhiều lần bày tỏ bất mãn về cách hành xử của Mỹ, mới đây Washington thành lập AUKUS - thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Anh, Mỹ, Australia, đáng nói thỏa thuận này khiến Canberra “bẻ kèo” hợp đồng chuyển giao tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Pháp!
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Yves Le Drian thẳng thừng: “Đây thực sự là một hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia và lòng tin cậy này đã bị phản bội. Hôm nay tôi vô cùng tức giận và cay đắng. Đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau!”.
Ở đây không chỉ là vấn đề tiền bạc, cả Pháp lẫn EU cảm thấy bị gạt sang một bên trong cuộc chơi mới ở châu Á - Thái Bình Dương mà Washington là bên nắm quyền chi phối.
Khi chiến lược về Trung Đông thay đổi, quan hệ với Nga ấm dần lên thì người Mỹ bắt đầu xem nhẹ vai trò của NATO. Bằng chứng là Mỹ không còn thiết tha tiến về phía Đông Âu, buông lơi khẩn cầu gia nhập của Kiev tức là ngại va chạm với Moscow.
Thêm vào đó khi đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc 2” chính thức hoàn thành đã khẳng định vị thế hoàn toàn mới của châu Âu trong mối quan hệ với Nga, tức là không còn phụ thuộc vào Mỹ, không còn vật lộn với “những mùa đông đắt đỏ”.
Với sự ra đời của quân đội chung châu Âu, số phận NATO như chỉ mành treo chuông, nếu các thành viên từ EU rút hết, tổ chức này chỉ còn lại 9 thành viên, chưa kể các thành viên tí hon sẽ nối gót EU ra đi.
Có thể bạn quan tâm
NATO có kiềm chế được Trung Quốc?
06:00, 19/03/2021
“NATO châu Á” - mộng khó thành của Mỹ
06:32, 17/02/2021
NATO không muốn chiến tranh lạnh với Nga
15:50, 06/04/2019
70 năm NATO: Thách thức từ sự chia rẽ
06:00, 04/04/2019
Quân đội châu Âu và mâu thuẫn của NATO
11:01, 10/11/2018
NATO “sống dậy” giữa ngổn ngang căng thẳng!
11:30, 07/10/2018