Đầu tư nước ngoài vào Pháp tăng mạnh vì đâu?

CẨM ANH 01/04/2022 16:09

Pháp tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt khi có hơn 1.000 dự án đầu tư FDI được đăng kí mới trong năm 2021.

>>Điểm nhấn mới cho hợp tác quốc phòng Việt- Pháp

Đầu tư nước ngoài vào Pháp chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021

Đầu tư nước ngoài vào Pháp chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021

Cụ thể, trong báo cáo thường niên năm 2021: Đầu tư nước ngoài tại Pháp" vừa được công bố cho thấy sức hấp dẫn kỷ lục của nước Pháp trên phương diện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong năm qua.

1 607 dự án đầu tư được đăng ký mới trong năm 2021, tạo ra thêm và duy trì 45 008 việc làm, tăng lần lượt 32 % và 30 % so với năm 2020. Như vậy trong năm vừa qua, trung bình mỗi tuần nước Pháp lại đón nhận thêm 31 quyết định đầu tư mới.

Các dự án nói trên đến từ hơn 60 quốc gia khác nhau, hai phần ba trong số đó đến từ các nước châu Âu, điều này cho thấy mức độ gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư của châu lục này vào nước Pháp.

Cụ thể, Đức hiện dẫn đầu bảng xếp hạng với gần 300 dự án trong năm qua, vượt qua Hoa Kỳ với 247 dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Hoa Kỳ lại đứng đầu về tạo cơ hội việc làm mới cho nước Pháp (10 118 việc làm), tiếp sau là Đức với 8 063 việc làm. Anh là quốc gia hoàn thiện danh sách top 3 về đầu tư nước ngoài tại Pháp với 151 dự án và tạo ra 4 202 việc làm mới.

Các dự án đầu tư mới chiếm đa số với tỷ lệ 51%, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh và triển vọng kinh tế của nước Pháp. Mặt khác, các dự án đầu tư mở rộng, với tỷ lệ 44% tổng số dự án và gần 50% số việc làm mới được tạo ra, tái khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư kỳ cựu đã đặt chân trước đó vào thị trường Pháp, trong đó công nghiệp là lĩnh vực đầu tư chính, chiếm đa số các dự án đầu tư mở rộng nói trên.

Đáng chú ý, nền công nghiệp Pháp đang thực sự hồi sinh với 460 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký mới trong năm 2021, tương ứng với mức tăng kỷ lục 49 %, giúp tạo ra và duy trì hơn 15 000 việc làm. Như vậy, các dự án công nghiệp chiếm 29 % số dự án đầu tư nước ngoài và 34% số việc làm có liên quan tại Pháp.

Các con số nói trên đã cho thấy quá trình tái công nghiệp hóa mà chính phủ Pháp khởi động từ nhiều năm về trước đã bước vào giai đoạn tăng tốc trong năm 2021, đồng thời khẳng định niềm tin ngày một bền vững của các nhà đầu tư quốc tế vào nước Pháp bất chấp những khó khăn do đại dịch gây ra.

>>Nâng tầm đối tác chiến lược Việt-Pháp

Nền

Nền công nghiệp Pháp đang hồi sinh với 460 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký mới trong năm 2021

Báo cáo cũng nêu rõ, sự hợp tác giữa Business France và các Cơ quan phát triển kinh tế địa phương (ARD) đã mang lại hơn 1900 dự án đầu tư nước ngoài trên khắp các địa phương, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm thành công 1200 cơ hội đầu tư mới và đồng tổ chức 110 sự kiện xúc tiến thương mại trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định: "Các kết quả nói trên là minh chứng cho sự hồi sinh của nền công nghiệp Pháp, đồng thời cho thấy chiến lược tăng cường sức hấp dẫn của nước Pháp trong mắt giới đầu tư quốc tế, vốn được Chính phủ khởi động từ năm 2017".

Chiến lược đã được chính phủ Pháp thực hiện thông qua nhiều kế hoạch cải cách đầy tham vọng như cải cách thị trường lao động, cải cách hệ thống thuế, từ đó đưa dòng tiền tiết kiệm vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến nước Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, từ đó đưa nước Pháp trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu trong suốt 3 năm trở lại đây.

Đánh giá về tiềm năng đầu tư vào Pháp, Tổng giám đốc Business France Christophe Lecourtier nhận định nhận định sức hấp dẫn của nước Pháp còn đến từ những bí quyết chuyên môn. Nguồn vốn đầu tư không chỉ chảy vào hoạt động sản xuất mà còn vào hoạt động R&D - nghiên cứu và phát triển – trong ngành công nghiệp dược phẩm (tiêu biểu là các hãng Merck KGaA, Biogen, Recipharm) và thiết bị y tế (Medicom, Getinge, Tokibo, v.v).

"Đây là thành quả nỗ lực chung giữa ngành ngoại giao, Business France, các đối tác của chúng ta, đồng thời nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ", ông Lecourtier nhấn mạnh.

Có thể thấy, sức hấp dẫn đầu tư quốc tế giúp nước Pháp giành lại các thị trường xuất khẩu, một thành tố quan trọng trong việc cải thiện cán cân thương mại, thông qua quá trình tái công nghiệp hóa và tái định vị các chuỗi cung ứng.

Có thể bạn quan tâm

  • AFD đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu

    AFD đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu

    19:00, 29/03/2022

  • AFD hỗ trợ EVN tăng cường phát triển hệ thống điện tại khu vực miền Nam

    AFD hỗ trợ EVN tăng cường phát triển hệ thống điện tại khu vực miền Nam

    18:38, 29/03/2022

  • EVN và AFD hợp tác hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo

    EVN và AFD hợp tác hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo

    11:00, 11/11/2021

  • Nâng tầm đối tác chiến lược Việt-Pháp

    Nâng tầm đối tác chiến lược Việt-Pháp

    05:03, 06/02/2022

CẨM ANH