Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên như thế nào?
Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chính thức nhậm chức trong bối cảnh vấn đề Triều Tiên đang đặt ra nhiều thách thức.
>>Chiến sự Nga- Ukraine "đánh thức" tham vọng hạt nhân của Triều Tiên?
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc sau lễ nhậm chức, ông Yoon cho biết, mặc dù các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là "mối đe dọa đối với an ninh của chúng ta và của Đông Bắc Á, nhưng cánh cửa đối thoại sẽ vẫn rộng mở để giải quyết mối đe dọa này".
Bên cạnh đó, Tân Tổng thống cho biết thêm, nếu Triều Tiên thực sự bắt tay vào quá trình hoàn tất phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc sẽ sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để đưa ra một kế hoạch táo bạo nhằm củng cố đáng kể nền kinh tế của Triều Tiên và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân nước này.
Trước đó, ông Yoon đã đưa ra tín hiệu về một đường lối cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, cảnh báo về một cuộc tấn công phủ đầu đối với Triều Tiên, nếu có mối đe dọa lớn của Triều Tiên đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bài phát biểu nói trên, ông Yoon được cho là nhấn mạnh hơn đến việc sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.
Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng nhắc đến một số thách thức mà nền kinh tế Hàn Quốc đang gặp phải, từ đại dịch COVID-19, biến động chuỗi cung ứng toàn cầu cho đến tăng trưởng thấp kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Hàn Quốc.
"Thế hệ chúng ta cần xây dựng một quốc gia dân chủ tự do và đảm bảo nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, một đất nước thực sự thuộc về nhân dân và hoàn thành trách nhiệm của thành viên đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế", ông Yoon nhấn mạnh.
>>Vì sao Triều Tiên liên tục phô trương sức mạnh hạt nhân?
Có thể thấy, Tân Tổng thống Hàn Quốc cần phải giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay ngay trong những ngày đầu nhậm chức, trong đó thách thức lớn nhất là mối đe dọa thường xuyên từ Triều Tiên khi quốc gia này đã tiến hành hàng chục cuộc phóng tên lửa trong năm nay.
Dưới chính quyền Tân Tổng thống Yoon, thế giới có thể trông đợi vào những nỗ lực nhằm thiết lập lại quan hệ liên Triều, nhưng không phải dưới hình thức đối thoại và thuyết phục- một giải pháp được đánh giá là không khả thi vào thời điểm hiện tại. Đây là thách thức lớn nhất mà ông Yoon sẽ phải vượt qua trong nhiệm kỳ của mình. Trong đó, việc hợp tác với Mỹ, Nhật để đối phó với thách thức này có thể sẽ được tiếp tục sử dụng.
Thực tế cho thấy, Bình Nhưỡng sẽ thay đổi con đường của mình, đặc biệt là sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố rằng sẽ củng cố và phát triển năng lực hạt nhân của quốc gia này. Do đó, nhiều khả năng trong thời gian tới Bình Nhưỡng sẽ ngày một tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân hơn, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật và hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Tiến sĩ Woo Jung-yeop thuộc Viện Sejong đánh giá, để triển khai vũ khí hạt nhân, Triều Tiên phải thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, đây sẽ không phải là một vụ thử vũ khí ở quy mô lớn, nhưng có lẽ sẽ sớm được triển khai để chứng tỏ khả năng đe dọa của nước này.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine "đánh thức" tham vọng hạt nhân của Triều Tiên?
15:25, 09/05/2022
Vì sao Triều Tiên liên tục phô trương sức mạnh hạt nhân?
03:30, 27/04/2022
Mỹ lại “nhức đầu” vì Triều Tiên
05:30, 17/01/2022
Giải mã bí ẩn về Triều Tiên
05:30, 19/10/2021
Hàm ý của Triều Tiên đằng sau vụ phóng tên lửa hành trình
07:00, 16/09/2021