Triều Tiên loay hoay đối phó COVID-19
Tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên đang tiếp tục diễn biến hết sức căng thẳng khi số ca nghi nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng nhanh.
>>Xuất hiện ca COVID-19 đầu tiên, Triều Tiên mạnh tay phong tỏa cả nước
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, tính cho đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên có tổng cộng 50 người chết, khoảng 1,2 triệu trường hợp sốt; ít nhất 564.860 người đang phải điều trị y tế trong bối cảnh COVID-19 bùng phát ở nước này.
Trước dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã "chỉ trích mạnh mẽ" các quan chức y tế vì phản ứng thiếu hiệu quả trong phòng chống dịch, đặc biệt là việc không mở cửa các hiệu thuốc 24/7.
Theo ông Kim Jong Un, việc không phân phối thuốc đúng cách là “do các quan chức trong chính quyền và ngành y tế công cộng đã không xắn tay áo vào hành động, không nhìn nhận đúng về cuộc khủng hoảng hiện nay".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trực tiếp giám sát các cuộc họp khẩn cấp gần như hàng ngày của Bộ Chính trị về đợt bùng phát dịch bệnh, cũng như đến các hiệu thuốc để trực tiếp kiểm tra. Ông Kim Jong Un cũng chỉ ra sự thiếu sót trong việc giám sát, đồng thời cảnh báo "một số vấn đề tiêu cực trong việc quản lý và bán thuốc trên toàn quốc".
Ông Kim Jong Un đã chỉ đạo khẩn cấp giải phóng và cung cấp kịp thời thuốc từ nguồn dự trữ quốc gia cho hệ thống nhà thuốc, đồng thời lệnh cho hệ thống các nhà thuốc chuyển sang chế độ hoạt động 24 giờ.
Ngay lập tức, Triều Tiên ban hành “Lệnh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương” về việc ổn định nguồn cung cấp thuốc ngay lập tức cho thủ đô Bình Nhưỡng bằng cách huy động nguồn lực của quân đội. Đồng thời, truyền thông Triều Tiên cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp chống dịch, như vệ sinh đường hô hấp, uống nước đầy đủ….
>>Chiến sự Nga- Ukraine "đánh thức" tham vọng hạt nhân của Triều Tiên?
Các chuyên gia y tế toàn cầu nhận định, dịch bệnh tại Triều Tiên đang diễn biến khó lường và phức tạp. Hiện nay, Bình Nhưỡng chỉ thông báo về số trường hợp có triệu chứng sốt do nước này không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Do đó, không thể xác định chính xác số ca nhiễm bệnh khi các trường hợp không có triệu chứng có thể cao hơn nhiều.
Ông Jean Lee, chuyên gia tại Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington nhận định, Triều Tiên là một trong số những quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất thế giới, với các bệnh viện thiếu thiết bị, ít đơn vị chăm sóc đặc biệt, không có khả năng xét nghiệm hàng loạt và không đủ thuốc điều trị COVID-19.
"Nếu không kịp thời bổ sung vaccine phòng COVID-19 và các trang thiết bị y tế, Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với cuộc khủng khoảng dịch bệnh diện rộng có khả năng kéo nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái nhanh chóng", chuyên gia này cảnh báo.
Trước tình hình dịch nghiêm trọng tại Triều Tiên, Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên ứng phó đợt bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc tiếp nhận viện trợ sẽ làm gián đoạn kế hoạch thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Một nguồn tin cho biết, Triều Tiên đã thông qua kênh ngoại giao để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ hàng hóa và trang thiết bị chống dịch COVID-19, đồng thời tiết lộ các cuộc đàm phán đang được tiến hành, song không nêu cụ thể Triều Tiên yêu cầu điều gì.
Có thể bạn quan tâm
Xuất hiện ca COVID-19 đầu tiên, Triều Tiên mạnh tay phong tỏa cả nước
11:01, 12/05/2022
Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên như thế nào?
15:17, 10/05/2022
Chiến sự Nga- Ukraine "đánh thức" tham vọng hạt nhân của Triều Tiên?
15:25, 09/05/2022
Vì sao Triều Tiên liên tục phô trương sức mạnh hạt nhân?
03:30, 27/04/2022