WEF DAVOS 2022: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hẹp khoảng cách số
Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số.
>>WEF DAVOS 2022: Thế giới tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
Tại các phiên họp về "Một ASEAN số cho tất cả người dân" và Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo về "Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững", các đại biểu cho rằng khu vực ASEAN đang phát huy tốt vai trò trung tâm, là khu vực đi tiên phongtrong phát triển kinh tế số với những chiến lược, tuyên bố mạnh mẽ về tiến trình chuyển đổi số khu vực, phát triển đồng bộ cả kinh tế số và xã hội số.
Để xây dựng một ASEAN số bao trùm, phục vụ lợi ích toàn dân, các đại biểu kêu gọi đẩy mạnh hợp tác để tận dụng hiệu quả chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trong thảo luận về "Kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững" với sự chủ trì của Chủ tịch WEF Borge Brende, các nhà lãnh đạo đã chia sẻ sự cần thiết xây dựng nền kinh tế tự cường trong giai đoạn hiện nay, gắn kết giữa tự cường quốc gia với hợp tác quốc tế và phối hợp đa phương, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tự cường ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chia sẻ các quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam, trong đó có phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số; thông qua đào tạo nguồn nhân lực số, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu - phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo....
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh quá trình gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững cần được triển khai đồng bộ ở ba cấp độ.
Ở cấp độ toàn cầu, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách số, bảo đảm không ai bỏ lại phía sau, phối hợp xây dựng các cơ chế, khuôn khổ toàn cầu và đa phương nhằm quản trị những vấn đề mới liên quan đến kinh tế số.
>>WEF DAVOS 2022: Nhiều vấn đề hóc búa cần có lời giải
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, với cấp quốc gia, cần xây dựng hệ sinh thái số, bao gồm thể chế số, hạ tầng số, quản trị số, nhân lực số, thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư, huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan.
Ở cấp độ doanh nghiệp, cần tận dụng công nghệ số và dữ liệu số để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các sản phẩm xanh, tạo động lực cho phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất rằng, đại dịch COVID-19 đã đóng vai trò như một chất xúc tác, khiến chuyển đổi số không chỉ là ưu tiên mà còn là vấn đề cấp bách đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực tư nhân rõ ràng đã vượt trội hơn hẳn so với khu vực công. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, một cuộc khảo sát 1.200 quan chức chính phủ trên 70 quốc gia do Deloitte tiến hành cho thấy, gần 70% người được khảo sát cho biết khả năng kỹ thuật số của họ tụt hậu so với khu vực tư nhân.
McKinsey ước tính rằng hơn 8,6 triệu người trong khu vực công thuộc các nước châu Âu sẽ không có những kỹ năng số cần thiết vào năm 2023.
Theo ông Antonio Neri, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hewlett Packard Enterprise, với cả khu vực công và tư nhân, không tiến hành chuyển đổi số sẽ dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội. Tương lai thuộc về tốc độ và các tổ chức có nền tảng kỹ thuật số linh hoạt khi sở hữu tiềm năng to lớn để mở ra cơ hội và sự thịnh vượng cho nền kinh tế và xã hội.
Có thể bạn quan tâm
WEF DAVOS 2022: Nhiều vấn đề hóc búa cần có lời giải
05:10, 25/05/2022
WEF DAVOS 2022: Thế giới tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
15:08, 24/05/2022
WEF DAVOS 2022: Những vấn đề nóng nào sẽ được thảo luận?
11:00, 23/05/2022
ĐỐI THOẠI DAVOS: Trung Quốc thị uy sức mạnh “mềm”
06:00, 29/01/2021
ĐỐI THOẠI DAVOS: Gợi mở xu hướng phát triển mới
06:15, 27/01/2021