Sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 tại châu Âu, Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 (WEF) vừa chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ.
>>ĐỐI THOẠI DAVOS: Trung Quốc thị uy sức mạnh “mềm”
Với sự tham dự của trên 2.500 chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức xã hội dân sự cũng như các cơ quan truyền thông, Diễn đàn kinh tế thế giới vơi hơn 400 phiên thảo luận sẽ được tổ chức, tập trung vào tất cả những chủ đề nóng liên quan đến kinh tế thế giới, quản trị toàn cầu, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… trong đó trọng tâm sẽ là các thảo luận về tác động của cuộc chiến tại Ukraine cũng như các biện pháp chống dịch COVID-19 của Trung Quốc đến việc phục hồi kinh tế thế giới hậu đại dịch.
Nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Hoa Kỳ đã thông báo kết quả mới nhất của cuộc khảo sát các nhà đầu tư toàn cầu cho thấy, việc các ngân hàng trung ương có ý định cắt giảm các chương trình kích thích và tăng lãi suất để chống lạm phát là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo Klaus Schwab, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho biết, trong bối cảnh thế giới phức tạp và khó lường như hiện nay, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos 2022 là “Lịch sử trước ngã rẽ: Chính sách của các chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp”.
>>ĐỐI THOẠI DAVOS: Gợi mở xu hướng phát triển mới
"Chưa khi nào Diễn đàn kinh tế thế giới phải đối mặt cùng lúc với nhiều vấn đề trọng đại như thế đối với nhân loại, khi đại dịch COVID-19 lớn nhất trong 1 thế kỷ qua cướp đi sinh mạng của trên 15 triệu người vẫn chưa chấm dứt, và cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ sự ổn định địa chính trị trong nhiều thập kỷ qua", Ông Klaus Schwab đánh giá.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Diễn đàn năm nay là việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ có bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh từ Kiev. Trong khi đó, nhiều quan chức chính phủ của Ukraine dự kiến cũng sẽ tham dự Davos.
Đáng chú ý, không có quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp của Nga được mời tham dự sự kiện năm nay. Về phía Mỹ, ông John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ sẽ tham dự WEF, cùng với sự hiện diện của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Đại diện Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 52 của WEF. Dự kiến, tại Hội nghị WEF 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khai sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm về "Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu", "Phát triển ASEAN số cho tất cả mọi người" và Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo Cấp cao với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững".
Đây đều là những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Diễn đàn WEF 2022, nhận được nhiều sự quan tâm của các nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đồng thời cũng thuộc những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam
Trao đổi với truyền thông trước thềm Hội nghị, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đánh giá, việc tham dự hội nghị này cho thấy Việt Nam đang trở thành một đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực định hình tương lai, đồng thời là điểm đến được các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt các thành viên của WEF đánh giá cao.
Có thể bạn quan tâm