Trung Quốc "hé lộ" những toan tính mới trên Biển Đông

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 28/05/2022 05:13

Cuộc tập trận của Trung Quốc từ ngày 19 - 23/5 vừa qua trên Biển Đông nhằm phát đi tín hiệu, Hải quân Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với bất cứ thế lực nào, cho dù đó là Mỹ!

Ông Vương Nghị đang công du đến 7 đảo quốc trên Thái Bình Dương

>>Trung Quốc đưa khí tài ra Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế

Sau khi các nước ASEAN tề tựu về Washington (Mỹ) dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Tổng thống Mỹ đến Đông Á thì Ngoại trưởng Trung Quốc ông Vương Nghị lập tức có chuyến đi liên hoàn 10 ngày đến 8 đảo quốc trên Thái Bình Dương.

Hoàn toàn khác trước, Bắc Kinh không chọn các quốc gia “lớn” trên đất liền cho chuyến thăm cấp Bộ trưởng lần này, Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste là những điểm đến.

Rất khó tìm thấy vị trí những quốc gia này trên quả địa cầu, bởi họ chỉ là những chấm nhỏ li li ở phía Tây Nam Thái Bình Dương. Vậy, những “đốm nhỏ” này có ý nghĩa ra sao với chiến lược lớn của Trung Quốc?

Song hành với chuyến xuất ngoại của ông Vương Nghị, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đồng loạt đưa khí tài ra Biển Đông thực hiện cuộc tập trận quy mô lớn. Bất kể mục đích là gì thì động thái nói trên được ngầm hiểu như một đòn đáp trả mạnh mẽ, khẳng định Trung Quốc không bao giờ ngồi yên để Mỹ và đồng minh vây hãm.

Từ đầu năm nay, Nhà trắng tập trung phần lớn nguồn lực dành cho châu Á - Thái Bình Dương, hàng loạt chuyến thăm cấp Bộ trưởng và Phó Tổng thống K. Harris đến Đông Nam Á, kết quả đầu tiên là Hội nghị Thượng đỉnh vừa được tổ chức.

Không dừng lại ở đó, ông Joe Biden cấp tập bay sang Seoul, đến Tokyo, triệu tập cuộc họp cấp cao nhóm “Bộ tứ kim cương” - không gì khác là triển khai 8 nội dung đã nêu trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Nhà trắng ban bố hồi tháng 2 năm nay.

Hầu hết chương trình nghị sự giữa Mỹ và các quốc gia châu Á đều dành thời lượng quan tâm đặc biệt đến Trung Quốc, xem sự lớn mạnh của nước này là mối nguy hiểm, đe dọa an ninh khu vực. Trung Quốc dĩ nhiên coi những hoạt động này gây ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương ngày một chật chội, cuộc tập trận từ ngày 19 - 23/5 trên Biển Đông nhằm phát đi tín hiệu, Hải quân Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với bất cứ thế lực nào, cho dù đó là Mỹ! Đồng thời, cuộc tập trận này cũng thị uy sức mạnh của Trung Quốc.

Trung Quốc điều khí tài tập trận trên Biển Đông

Trung Quốc điều khí tài tập trận trên Biển Đông

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn mang thông điệp to lớn hơn thế, rằng Bắc Kinh không dễ dàng bị cô lập, họ vẫn có bạn bè khắp nơi, có thể hợp tác, kề vai sát cánh.

Tại Fiji, ông Vương Nghị chủ trì Hội nghị Trung Quốc - các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ 2. Trung Quốc hiện đã viện trợ 100 dự án kinh tế - xã hội trong vùng, sáng kiến “Vành đai và Con đường” được nhiệt thành ủng hộ.

Các hòn đảo này có vị trí tuyệt vời để lực lượng Trung Quốc vươn dài tầm hoạt động. Nếu khu vực Hoa Đông, Biển Đông trở nên bí bách thì Tây Nam vùng biển lớn nhất thế giới lại là vùng địa lý thuận lợi cho phòng thủ từ xa, có thể uy hiếp Australia, tiếp cận bờ Tây nước Mỹ dễ dàng hơn.

Mỹ và đồng minh gây sức ép ngày càng lớn buộc Trung Quốc tìm mọi cách phá vòng vây; thắt chặt quan hệ với bên ngoài chuẩn bị cho màn chạy đua chiến lược dài hơi, cạnh tranh toàn diện trong thập kỷ này.

Mạng lưới đồng minh thông qua cách thức hợp tác kinh tế do Trung Quốc xây dựng đã trải dài khắp châu Á, một nhánh đi xuống phía Nam từ Myanmar, Campuchia, Sri Lanka trên biển Ấn Độ Dương, kết hợp với những căn cứ đồn trú ở Vanuatu, Fiji, Tonga, Solomon hình thành vòng cung bao trùm, xuyên qua hai Đại dương lớn nhất địa cầu.

Trong trường hợp xung đột xảy ra, Hải quân Trung Quốc đủ điều kiện tiếp tế lẫn nhau, cũng như hiệp đồng tác chiến, bao vây đối phương và triển khai đòn tấn công chiến lược đến Mỹ, Australia, Ấn Độ, cũng như các nước Đông Nam Á có dấu hiệu “trở cờ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc đưa khí tài ra Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế

    Trung Quốc đưa khí tài ra Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế

    04:00, 26/05/2022

  • Việt Nam đề nghị Quốc hội Singapore ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông

    Việt Nam đề nghị Quốc hội Singapore ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông

    20:53, 18/05/2022

  • Mỹ, ASEAN và Biển Đông

    Mỹ, ASEAN và Biển Đông

    05:00, 16/05/2022

  • Trung Quốc muốn gì khi đưa chiến đấu cơ tàng hình đến Biển Đông?

    Trung Quốc muốn gì khi đưa chiến đấu cơ tàng hình đến Biển Đông?

    03:00, 20/04/2022

  • Quân sự hóa ở Biển Đông: Trung Quốc nói không đi đôi với làm

    Quân sự hóa ở Biển Đông: Trung Quốc nói không đi đôi với làm

    05:04, 10/04/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ