Với việc đưa chiến cơ tối tân đến Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình và gây lo ngại cho các nước trong khu vực.
>>Quân sự hóa ở Biển Đông: Trung Quốc nói không đi đôi với làm
Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tập luyện và tuần tra ở Biển Đông, biển Hoa Đông.
Trong cuộc họp ngày 12/4, Ren Yukun, quan chức cấp cao của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cho biết, J-20 chuyển sang dùng “quả tim Trung Quốc” và tiêm kích thường tham gia huấn luyện tuần tra chiến đấu trên biển Hoa Đông và tuần tra cảnh giới ở Biển Đông.
Theo đó, tuần tra chiến đấu yêu cầu phi công trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, trong khi tuần tra cảnh giới chủ yếu là để giám sát và phát cảnh báo.
Được biết, "quả tim Trung Quốc" là thuật ngữ dùng để chỉ động cơ máy bay do nước này tự sản xuất. Những chiếc J-20 đầu tiên dùng động cơ AL-31F của Nga và WS-10B của Trung Quốc, vốn được thiết kế cho tiêm kích đời trước, khiến mẫu máy bay tàng hình không thể hoạt động hết công suất và hạn chế khả năng cơ động lẫn tàng hình ở tốc độ vượt âm.
Tiêm kích J-20 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô, đơn vị con của AVIC, phát triển từ những năm 1990. Dây chuyền J-20 thứ tư được lắp đặt năm 2019 và bắt đầu sản xuất loạt một năm sau đó. Mỗi dây chuyền có thể sản xuất một tiêm kích J-20 mỗi tháng. J-20 được cho là có khả năng tấn công chính xác và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Quân đội Trung Quốc biên chế J-20 từ năm 2017.
>>Bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Việt Nam và các nước quanh Biển Đông không đơn độc
>>Biển Đông: Biển chưa yên, sóng chưa lặng
Bình luận về ý đồ của Bắc Kinh, ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ nhận định Trung Quốc có 3 mục đích khi điều động chiến đấu cơ J-20 tuần tra ở Biển Đông.
Cụ thể, về mặt chính trị và chiến lược, động thái trên báo hiệu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình của Trung Quốc có đủ số lượng để tiến hành các hoạt động chiến thuật quan trọng thường xuyên.
Về mặt quân sự, thứ nhất, các phi công đang bay qua các khu vực hoạt động tiềm năng trong tương lai, làm quen với điều kiện môi trường khu vực hoạt động được chỉ định và các điểm điều hướng chính. Thứ hai, các phi công Trung Quốc đang được huấn luyện thực tế các mô hình đối tượng trên không và trên biển; vị trí, hình ảnh radar và dấu hiệu điện tử của các mục tiêu tiềm năng hiện diện trong khu vực mà Trung Quốc đang hoạt động.
Ông Carl O.Schuster cho rằng tính toán của Bắc Kinh có nghĩa trực diện với những bên đang hiện diện ở vùng biển này, đặc biệt là quân đội Mỹ.
Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông nhằm phục vụ chiến thuật vùng xám, toan tính tăng kiểm soát mà không cần dùng vũ lực.
Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Trung Quốc đã "hoàn tất quân sự hóa" ở ít nhất ba thực thể trên Biển Đông, gồm đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trung Quốc đã bố trí kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và một số cơ sở quân sự khác tại các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép này.
Đô đốc Aquilino cảnh báo quá trình quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể trên Biển Đông sẽ "cho tiêm kích và oanh tạc cơ xuất kích", cùng với mối đe dọa từ các hệ thống tên lửa mà nước này bố trí ở đảo nhân tạo phi pháp.
Theo ông Poling, hoạt động quân sự hóa đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên các nước trong khu vực, đồng thời mở rộng kiểm soát mọi hoạt động trên Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn tất bồi đắp và cải tạo trái phép một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 2016, rồi xây dựng xong mọi cấu trúc quân sự lớn vào cuối năm sau. Quá trình triển khai các đơn vị hải quân, hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc đến các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp diễn ra vào cuối năm 2018.
Giới quan sát và tình báo Mỹ cũng ghi nhận máy bay trinh sát, tuần thám và vận tải cơ Trung Quốc hạ cánh tại các đường băng trên ba đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Chiến thuật vùng xám phục vụ mục tiêu của Trung Quốc là chiếm đoạt vùng biển của các nước khác mà không phải dùng lực lượng quân sự chính quy, nhưng đồng thời không để tình hình vượt ngưỡng thành xung đột vũ trang mất kiểm soát.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về chiến thuật này của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh sử dụng tàu chấp pháp và lực lượng dân quân biển để quấy nhiễu hoạt động dân sự các nước láng giềng, đơn phương "thực thi" cái mà họ gọi là "quyền chủ quyền" trên các khu vực ở Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế.
Khi hoàn tất quân sự hóa ba đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể năng lực triển khai các lực lượng chấp pháp và dân quân biển để phục vụ chiến thuật này.
>>Biển Đông: Việt Nam đang ở phía chính nghĩa
Trước đó, Bắc Kinh liên tục có các đợt tập trận kéo dài ở Biển Đông gần đây. Các cuộc tập trận này chia thành hai đợt: đợt 1 từ ngày 4 đến 15/3 và đợt 2 từ ngày 19/3 đến 9/4. Khu vực tập trận trong 2 đợt này nằm ở giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam.
Bình luận về các động thái này của Trung Quốc, ông Hoàng Việt, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng có thông tin cho biết Trung Quốc đã liên tục đưa ra các thông báo tập trận từ ngày 19-3 tới nay là để tìm kiếm một chiếc máy bay quân sự của họ đã bị rơi ở đây trong lúc tập trận. Tuy nhiên, việc kéo dài hoạt động tập trận cho dù máy bay đã được tìm thấy cho thấy Trung Quốc có thể có những ý đồ khác ở đây.
"Trước tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine khiến cả thế giới tập trung vào đây, sẽ có thể dẫn đến sự lơ là ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, có những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng các vị trí và ảnh hưởng của họ ở Biển Đông", ông Việt nhận định.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nhận định Trung Quốc dường như muốn chứng tỏ rằng nước này không bị đe dọa bởi việc điều các tàu chiến qua lại khu vực tranh chấp ở Biển Đông của Mỹ, Nhật, Anh... cuối năm ngoái. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể là một nguyên do ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc về thời điểm tập trận.
Có thể bạn quan tâm
05:04, 10/04/2022
04:30, 24/03/2022
00:01, 22/03/2022
05:00, 22/02/2022
05:00, 17/01/2022
13:54, 06/01/2022
00:01, 17/12/2021