Phân tích - Bình luận

Trung Quốc thúc đẩy thương mại với các quốc gia lân cận

Trương Khắc Trà 13/05/2025 04:06

Trung Quốc đã triển khai những bước đi rất bài bản để xây dựng thị trường tiêu thụ hàng hóa liên hoàn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Đường sắt tốc độ cao nối Trung Quốc và Lào (Ảnh Laotian Times)
Đường sắt tốc độ cao nối Trung Quốc và Lào (Ảnh Laotian Times)

Các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá nếu hợp tác kinh tế giữa “bộ ba” Trung Quốc - Đông Nam Á - Đông Á vận hành đúng giá trị của nó, sẽ tạo ra khu vực kinh tế lớn, năng động và tăng trưởng ổn định nhất thế giới.

Đây là nhu cầu cấp bách, hoặc là sự trở lại của Trung Quốc với hàng loạt đối tác gần gũi về mặt không gian địa lý - nearshoring nhằm giảm bớt áp lực bị vây hãm bởi thuế quan từ Hoa Kỳ.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương (PBoC)và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đã kêu gọi hợp tác sâu hơn với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh biến động toàn cầu gia tăng và những trở ngại địa chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3 lần thứ 28 tại Milan, Italia, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Foan cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các đối tác khu vực để tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô, làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và đầu tư, đồng thời bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất.

Trung Quốc tìm cách củng cố lòng tin chiến lược và hội nhập phát triển với các nước láng giềng và cam kết hợp tác tài chính khu vực cởi mở, toàn diện và hợp tác để chống lại sự bất ổn toàn cầu.

Trung Quốc và ASEAN là một phần của mô hình thương mại tam giác: ASEAN là trung tâm nguyên liệu thô và linh kiện, Trung Quốc là nơi lắp ráp và Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng cuối cùng. Nhưng chính sách thương mại bảo hộ của ông Trump đã đe dọa về tính bền vững của mô hình này trong tương lai.

Để giải quyết tình trạng này, Trung Quốc có thể mở cửa thị trường hơn nữa cho các thành viên ASEAN để bù đắp một phần cho sự mất mát thị trường tiêu dùng Hoa Kỳ, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc để hỗ trợ công nghiệp hóa của ASEAN.

Các hành lang kinh tế đã hình thành từ Trung Quốc kết nối trực tiếp với các quốc gia Đông Nam Á. Cuối tháng 4, tuyến vận tải hàng hóa xuyên biên giới trực tiếp kết nối Côn Minh với thủ đô Viêng Chăn của Lào và thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã đi vào hoạt động.

Một thị trường chế biến và giao dịch trái cây mới đã được khởi công tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Thị trường này được thiết kế để kết nối ASEAN và Vân Nam - với giá trị giao dịch hàng năm dự kiến ​​là hơn 40 tỷ nhân dân tệ. Con đường này sẽ xuất khẩu nông sản và nhập khẩu các loại cây trồng nhiệt đới.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á trong tháng đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh Getty Images)
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á trong tháng 4 đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh Getty Images)

Trong vài tháng gần đây, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 21%, bù lại xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh từ mức tăng trưởng 11,6% vào tháng 3.

Indonesia và Thái Lan chứng kiến ​​lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc tăng lần lượt 37% và 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những biện pháp ứng phó với bất lợi thuế quan.

Trung Quốc làm mọi cách để tận dụng các thị trường gần, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cũng như thách thức song trùng với các nền kinh tế trong khu vực.

Dù Mỹ sẽ tạm thời hạ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10% trong 90 ngày, nhưng các vòng đàm phán thuế quan tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức.

Một loạt các ngân hàng Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống còn khoảng 4%, với lý do là những tổn thất do thuế quan gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc thúc đẩy thương mại với các quốc gia lân cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO