Phân tích - Bình luận

Vì sao Trung Quốc cấp tốc “bơm tiền" cho nền kinh tế?

Trương Khắc Trà 08/05/2025 04:05

Trung Quốc dự kiến tung ra thị trường 1.000 tỷ nhân dân tệ, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để huy động mọi nguồn lực tài chính giành cho chi tiêu tiêu dùng nội địa.

PBOC sẽ tung ra thị trường 1000 tỷ nhân dân tệ (Ảnh internet)
PBoC sẽ tung ra thị trường 1.000 tỷ nhân dân tệ (Ảnh internet)

Ngân hàng trung ương (PBoC) và các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã công bố các bước đi chính sách toàn diện vào thứ Tư, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất, khi nước này tăng cường nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh lo ngại về bất ổn thương mại gia tăng.

Theo đó, Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn bảy ngày 10 điểm cơ bản xuống còn 1,4% từ mức 1,5%. Điều này sẽ mở đường giảm lãi suất cho vay cơ bản và lãi suất chính sách khoảng 10 điểm cơ bản.

Bên cạnh đó, PBoC cũng sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng nghĩa giải phóng lượng thanh khoản 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 138,6 tỷ USD trong hệ thống tài chính.

Khối lượng tiền mặt khổng lồ này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm công nghệ và bất động sản, cùng với việc thành lập một cơ chế cho vay thông thoáng 500 tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy tiêu dùng và chăm sóc người già.

Ngoài ra, PBoC sẽ giảm 0,25% lãi suất thế chấp theo Quỹ dự phòng nhà ở quốc gia, một tổ chức cho vay mua nhà được chính phủ hỗ trợ. Lãi suất cho các khoản vay 5 năm dành cho người mua nhà lần đầu sẽ được cắt giảm từ 2,85% xuống 2,6%.

Các công ty chuyên về hỗ trợ tài chính mua xe hơi có lộ trình giảm lượng tiền mặt về 0 từ mức 5% hiện tại. Có nghĩa là việc cho vay sẽ được thúc đẩy một cách triệt để, tạo điều kiện tối đa cho tiêu dùng. Trung Quốc cũng đang chuẩn bị thêm nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng khu vực tư nhân.

Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING cho rằng, Trung Quốc vẫn còn dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ - cắt giảm thêm 20 điểm cơ bản lãi suất và giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong năm nay.

Giới quan sát đánh giá, lần này nền kinh tế số 2 thế giới tung ra loạt chính sách đồng bộ nhằm mục đích kích hoạt mọi nguồn lực có thể tạo ra tăng trưởng tự lực từ các ngành truyền thống như bất động sản cho đến hoạt động chăm sóc người già, trẻ em.

Các chính sách đó bao gồm cả những kích thích vi mô, như tăng tiền chi trả bảo hiểm thất nghiệp; tăng thu nhập trung bình và thấp, phát triển ngành dịch vụ, dần nới lỏng với các sự kiện giải trí giành cho giới trẻ đến từ K-pop Hàn Quốc.

Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước (Ảnh SCMP)
Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước (Ảnh SCMP)

Một báo cáo do một nhóm nghiên cứu từ Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc, công bố dự báo rằng, đến năm 2030, mức tiêu thụ dịch vụ bình quân đầu người của cư dân thành thị và nông thôn Trung Quốc có thể vượt quá 20.000 nhân dân tệ, chiếm hơn một nửa tổng mức tiêu thụ.

Điều đó gián tiếp khẳng định các rủi ro tiềm ẩn từ thuế quan rất khó lường. Wen-ti Sung, nhà nhiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng: “Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước và củng cố các biện pháp kích thích tài khóa vì thị trường quốc tế không có dấu hiệu cải thiện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Trung Quốc cấp tốc “bơm tiền" cho nền kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO