Các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip từ Mỹ đang khiến các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc phải chuyển hướng sang Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh thuê cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) trên khắp Đông Nam Á như một chiến lược dài hạn nhằm toàn cầu hóa khối lượng tính toán, trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn của Mỹ đối với các chip tiên tiến của Nvidia. Điều này đang thúc đẩy các doanh nghiệp AI Trung Quốc chuyển sang các trung tâm số như Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Theo các nguồn tin trong ngành, các “đại gia” điện toán đám mây Trung Quốc như Alibaba Cloud, Tencent và Huawei cũng đang liên tục mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á thông qua các liên doanh nhằm tránh các xung đột địa chính trị và đảm bảo quy mô phát triển.
Ông Mickael Driol, Giám đốc điều hành của Mekong Partners, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải chuyên cung cấp dịch vụ doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã thấy các khách hàng Trung Quốc đặt chỗ trước năng lực tính toán lên đến 5 đến 7 năm, đặc biệt là tại các trung tâm dữ liệu tập trung vào AI ở Malaysia và Indonesia.”
Ông Driol cũng cho biết thêm, Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng thu hút sự chú ý bên cạnh các trung tâm dữ liệu đã được thiết lập, trong bối cảnh nhu cầu AI từ Trung Quốc đổ về khu vực tăng mạnh.
Theo ông Dedi Iskandar, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại datacenterHawk, nhu cầu từ Trung Quốc bắt đầu tăng vọt từ quý III năm ngoái, với sự quan tâm đầu tư tập trung vào Johor (Malaysia) và Batam (Indonesia), được thúc đẩy bởi các quy định thuận lợi, chi phí thấp và các gói trợ cấp hào phóng.
Các nhà vận hành trung tâm dữ liệu trong khu vực đang cảm nhận rõ sự thay đổi, khi lượng khách hàng Trung Quốc vốn bị cấm tiếp cận trực tiếp với máy chủ, đang gia tăng đáng kể các yêu cầu và đơn đặt chỗ.
Sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đầu tiên đối với chip AI sang Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022, người mua Trung Quốc bị cho là đã chuyển sang các nhà môi giới bên thứ ba để tìm cách mua các bộ xử lý đồ họa cao cấp (GPU) của Nvidia, bao gồm cả dòng chip Blackwell và H100 vốn được săn lùng trên toàn cầu nhờ khả năng xử lý khối lượng công việc AI vượt trội.
Tuy nhiên, do sự giám sát pháp lý ngày càng chặt chẽ, các công ty Trung Quốc đã chuyển sang các mô hình tiếp cận gián tiếp. Thay vì nhập khẩu các chip bị hạn chế, họ giờ đây thuê năng lực tính toán AI từ các nhà cung cấp nước ngoài được phép vận hành phần cứng cao cấp.
Các nhà cung cấp hạ tầng khu vực Đông Nam Á ngày càng đóng vai trò là các trung gian trung lập, thường được tổ chức thông qua công ty mẹ đặt tại Singapore hoặc Jakarta để cung cấp các giải pháp “GPU như một dịch vụ” hoặc “AI như một dịch vụ”. Vị trí địa lý gần Trung Quốc giúp đảm bảo độ trễ thấp và hiệu quả vận hành cho khách hàng Trung Quốc.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Nvidia, Trung Quốc chiếm khoảng 13% doanh thu năm 2024 của hãng chip Mỹ này, giảm so với mức 21% vào năm 2022.
Ngược lại, doanh thu được ghi nhận thông qua Singapore đã tăng lên 18%, từ mức 8,5% cách đây hai năm. Nvidia lưu ý rằng, phần lớn các sản phẩm này “gần như luôn được chuyển đến nơi khác” chứ không tiêu thụ tại Singapore.
“Một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây quy mô lớn (hyperscaler) của Trung Quốc cũng đang âm thầm mở rộng thông qua các liên doanh với các công ty viễn thông hoặc nhà đầu tư bất động sản địa phương để tránh xung đột địa chính trị trong khi vẫn đạt được quy mô nhanh chóng,” ông Driol cho biết, ám chỉ đến các tên tuổi như Alibaba Cloud, Tencent Cloud và Huawei Cloud.
Ông cũng ghi nhận nhu cầu ngày càng tăng từ các phòng thí nghiệm AI và các startup về học máy có trụ sở tại Trung Quốc trong các lĩnh vực như giáo dục trực tuyến, công nghệ tài chính, trò chơi điện tử và tự động hóa công nghiệp – những doanh nghiệp này đang tìm cách huấn luyện các mô hình nền tảng (foundation models) ở nước ngoài bằng cách tận dụng các cụm GPU có nguồn gốc từ Mỹ, được đặt tại những hệ sinh thái địa chính trị ổn định hơn trong ASEAN.
“Điều này đang tái định hình bản đồ số của Đông Nam Á, biến các địa điểm vốn từng ở vị trí thứ yếu thành những điểm chiến lược trong kế hoạch mở rộng AI và đám mây của Trung Quốc,” ông nói thêm.
Mặc dù Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ chip AI lớn nhất thế giới, nhưng năng lực sản xuất chip AI tiên tiến trong nước vẫn còn hạn chế. Các chuyên gia tin rằng, chừng nào sự mất cân đối này còn tồn tại, nhu cầu về năng lực tính toán ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh nước này đẩy mạnh phát triển AI tạo sinh, xe tự hành và robot.