Xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt khi các chuyến hàng đến các nước Đông Nam Á bù đắp cho sự sụt giảm trong thương mại với Mỹ.
Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu, xuất khẩu trong tháng trước của nước này đã tăng 8,1% tính theo đồng USD so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 1,9% trong cuộc khảo sát của Reuters.
Trong khi đó, nhập khẩu tháng 4 chỉ giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự báo của giới kinh tế là giảm 5,9%.
Theo tính toán của CNBC dựa trên dữ liệu hải quan chính thức, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhập khẩu giảm gần 14%. Trước đó vào tháng 3, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ từng tăng 9,1% do các doanh nghiệp gấp rút giao hàng trước khi thuế quan tăng lên.
Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 2,5%, còn nhập khẩu giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint, sự tăng vọt trong xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc có thể một phần là do tái xuất qua các nước thứ ba và các hợp đồng đã ký trước khi thuế quan được công bố. Ông dự báo kim ngạch thương mại của Trung Quốc sẽ dần suy giảm trong những tháng tới.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng 20,8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tốc so với mức tăng 11,6% của tháng 3. Malaysia vẫn là một trong những điểm đến chính của hàng hóa Trung Quốc trong khu vực, trong khi xuất khẩu sang Indonesia và Thái Lan tăng mạnh lần lượt 37% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 8,3%, còn nhập khẩu giảm 16,5% so với cùng kỳ. Tháng 3, xuất khẩu tăng 10,3%, còn nhập khẩu giảm 7,5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ. Cho đến nay, cả hai bên đều tìm cách giảm tác động của thuế quan đối với nền kinh tế.
Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích trong những tuần gần đây nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ thuế quan, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng vào tháng 4, với chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2022.
Các lo ngại ngày càng gia tăng rằng tác động từ thuế quan có thể lan sang thị trường lao động. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 16 triệu việc làm, tương đương 2% lực lượng lao động, liên quan đến sản xuất hàng hóa xuất sang Mỹ.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) mới nhất của Trung Quốc cho thấy tình trạng giảm việc làm diễn ra trên diện rộng trong tháng trước, khi các nhà sản xuất bắt đầu dừng sản xuất và cho công nhân nghỉ có lương.
Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan chuyển hướng sản phẩm sang tiêu thụ nội địa, một động thái có thể làm gia tăng áp lực giảm phát trong nước.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát cuộc gặp sắp tới giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này, được kỳ vọng sẽ mở ra khả năng giảm leo thang cuộc chiến thương mại hiện tại.
Cuộc họp dự kiến này sẽ đánh dấu vòng đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi căng thẳng thuế quan leo thang hồi tháng 4. Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Steve Daines đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh vào tháng 3.
Mặc dù việc đạt được một thỏa thuận toàn diện có thể phức tạp và mất nhiều thời gian, song khả năng hai bên từng bước rút lại các mức thuế là điều có thể xảy ra, dù giới phân tích còn chia rẽ quan điểm về điều này.
“Nếu việc giảm thuế thành hiện thực, đó sẽ là một yếu tố tích cực đối với thị trường cổ phiếu Trung Quốc,” bà Laura Wang, chiến lược gia cổ phiếu tại Morgan Stanley nhận định, đồng thời cảnh báo rằng quá trình đàm phán sẽ kéo dài, với nhiều khó khăn.
Ngân hàng đầu tư này dự báo mức thuế hiệu lực của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể giảm từ mức rất cao hiện tại xuống mức cuối cùng khoảng 45% vào cuối năm nay, dù một giải pháp bền vững vẫn còn mơ hồ.