Liên Hợp Quốc "bế tắc" đàm phán, khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng hơn?
Chiến sự Nga-Ukraine đã thổi bùng các khủng hoảng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lương thực.
>>WEF DAVOS 2022: Quan ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Một báo cáo của hai cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc là Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về việc cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập trên hành tinh, do các "cú sốc" khí hậu như hạn hán đang trở nên tồi tệ hơn do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng cao.
Giám đốc điều hành WFP David Beasley cho biết, bên cạnh việc làm tổn thương “những người nghèo nhất trong số những người nghèo”, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu còn đe dọa đến hàng triệu gia đình đang phải gánh chịu sự gia tăng chi phí.
Ông Beasley cho biết thêm: “Tình trạng hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với Mùa Xuân Ả Rập năm 2011 và cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008, khi 48 quốc gia bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị, bạo loạn và biểu tình” . Ông cũng cảnh báo đây “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm” của các cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở Indonesia, Pakistan, Peru và Sri Lanka.
Báo cáo của các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi cần những hành động nhân đạo khẩn cấp để giúp đỡ các "điểm nóng về nạn đói", khi tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn trong vài tháng tới.
Có thể thấy, cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra những tác động đa tầng đối với nền kinh tế thế giới vốn đã chịu tác động nặng nề vì đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, từ đó để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển.
>>Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine là một trong những “vựa lương thực” của thế giới. Nước này vận chuyển hầu hết nông sản qua cảng Odessa trên Biển Đen và cảng Azov ở thành phố Mariupol. Tuy nhiên, chiến sự đã khiến cảng Azov bị tê liệt hoàn toàn, trong khi cảng Odessa bị Hạm đội Biển Đen của Nga phong tỏa.
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái đang mắc kẹt và có nguy cơ bị hỏng ở Ukraine khi cảng biển Odessa bị phong tỏa, khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực.
Không chỉ Ukraine, Nga cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc và nông sản hàng đầu thế giới. Hiện nay, việc xuất khẩu ngũ cốc và hoa màu từ Nga sang một số quốc gia đã bị tê liệt do Mỹ và nhiều nước châu Âu cấm tàu Nga vào cảng của họ.
Cùng với bất ổn kinh tế và giá cả leo thang, kết hợp với sản lượng lương thực giảm do các cú sốc biến đổi khí hậu, như hạn hán tái diễn hoặc lũ lụt, các tác động của khủng hoảng lương thực có thể sẽ đặc biệt nghiêm trọng tại một số khu vực, điển hình là châu Phi.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã liệt kê các quốc gia là điểm nóng "cảnh báo cao nhất" đối mặt với tình trạng thiếu lương thực thảm khốc: Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, Yemen, Afghanistan và Somalia khi có tới 750.000 người đang phải đối mặt với nạn đói và cái chết ở các quốc gia này. Trong khi các khu vực tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực bao gồm Angola, Lebanon, Madagascar và Mozambique.
Trước mắt, Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang tiến hành các cuộc đàm phán với Nga để khai thông các cảng của Ukraine và giải phóng hàng chục triệu tấn ngũ cốc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Điện Kremlin cho biết Nga sẵn sàng đóng góp để tránh khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ "các hạn chế mang động cơ chính trị" đối với Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn tin Politico (Mỹ) dẫn lời các quan chức tại nước này cho biết Washington sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga để hỗ trợ thông thương xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự bế tắc trong đàm phán giải quyết các nút thắt ở các cảng của Ukraine, đặc biệt là gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, sẽ khiến khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
11:30, 28/05/2022
WEF DAVOS 2022: Quan ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
16:00, 26/05/2022
WEF DAVOS 2022: Thế giới tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
15:08, 24/05/2022
Việt Nam cần làm gì với nguy cơ "khủng hoảng lương thực" toàn cầu?
02:33, 19/04/2022
COVID-19 và nỗi lo khủng hoảng lương thực toàn cầu
09:05, 21/09/2021