Vì sao Trung Quốc "đánh đổi" tăng trưởng kinh tế để khống chế COVID-19?

CẨM ANH 10/06/2022 04:30

Việc hai trung tâm hành chính, kinh tế hàng đầu Trung Quốc quay lại với chính sách “zero COVID” sẽ làm nền kinh tế quốc gia này gặp nhiều tổn thất.

>>Kinh tế Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến lược zero- Covid

Các nhân viên y tế xét nghiệm cho người dân trong khu phong tỏa tại Thượng Hải. Nguồn: AFP

Các nhân viên y tế xét nghiệm cho người dân trong khu phong tỏa tại Thượng Hải. Nguồn: AFP

Thượng Hải và Bắc Kinh đã quay trở lại thực hiện các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, giới chức quận Mẫn Hàng, Thượng Hải thông báo khu vực này sẽ bị "quản lý khép kín" và toàn bộ cư dân sẽ được xét nghiệm, giới chức quận Mẫn Hàng cho biết trong một thông báo.

"Việc đóng cửa sẽ được dỡ bỏ sau khi các mẫu xét nghiệm được thu thập", thông báo nêu thêm, song không đưa ra thời gian cụ thể dỡ phong tỏa và cũng không cho biết biện pháp nào sẽ được áp dụng nếu phát hiện ca dương tính.

Một số chính quyền các quận thuộc Bắc Kinh cũng đã ban hành thông báo cho biết người dân không được ra ngoài và tiến hành 12 ngày kiểm tra nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 9/6. Các nhà chức trách ở Triều Dương, một quận Bắc Kinh với hơn 3 triệu dân, đã ra lệnh đóng cửa tất cả các tụ điểm giải trí và quán cà phê internet sau khi ghi nhận 3 ca mắc mới tại 3 quận. Tất cả các ca này đều được phát hiện trong quá trình kiểm tra liên quan đến quán bar ở quận Triều Dương.

Việc Thượng Hải đóng cửa 2 tháng và Bắc Kinh đóng cửa nhiều trung tâm thương mại, cùng việc áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm chậm lại thương mại quốc tế.

Trong khi nhiều quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao hơn Trung Quốc và lựa chọn sống chung với COVID-19, thì Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách “zero COVID” để bảo vệ người già và hệ thống y tế công cộng khỏi sức ép từ dịch bệnh. 

>>Nhà đầu tư đang “mất hứng thú” với thị trường Trung Quốc

thành phố Thượng Hải gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thành phố Thượng Hải tái thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt

Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách cách ly nhiều tuần với toàn bộ các ca nhiễm không triệu chứng tại các cơ sở do nhà nước vận hành. Bên cạnh đó, chương trình nâng cấp hạ tầng chống COVID-19 mà chính phủ triển khai nhằm duy trì các chính sách về xét nghiệm diện rộng, cách ly nghiêm ngặt có thể sẽ kéo dài sang năm 2023.

Ông Yanzhong Huang, Chuyên gia cao cấp của Chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR)- một tổ chức tư vấn độc lập tại Mỹ nhận định, bất chấp mức độ tổn thất về kinh tế, xã hội mà chiến lược "zero COVID" gây ra, Trung Quốc vẫn sẽ kiên trì theo đuổi chiến lược đến cùng. Tuy nhiên, nếu điều này kéo dài sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tiêu cực trên nhiều lĩnh vực.

Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng ở Trung Quốc còn 4,3% vào năm 2022, đánh dấu mức giảm 0,8 điểm % so với dự báo tháng 12/2021. Điều này phần lớn phản ánh những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và tình trạng hàng chục thành phố bao gồm các trung tâm sản xuất của Thâm Quyến và Thượng Hải cũng như tỉnh Cát Lâm phải thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh và khiến người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu.

Ông Martin Raiser, Giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc cho biết: “Trong ngắn hạn, Trung Quốc phải đối mặt với thách thức kép là cân bằng giữa giảm thiểu COVID-19 với hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là làm thế nào để các chính sách kinh tế có hiệu quả khi việc hạn chế di chuyển vẫn được duy trì?"

Hiện tại, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chính sách zero-COVID của mình mà không có các công cụ kích thích kinh tế thích hợp để bù đắp, thì nhiều khả năng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ mức dưới 4% trong năm nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Lý do ngày càng nhiều công ty châu Âu chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc?

    Lý do ngày càng nhiều công ty châu Âu chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc?

    20:37, 09/06/2022

  • Nhà đầu tư đang “mất hứng thú” với thị trường Trung Quốc

    Nhà đầu tư đang “mất hứng thú” với thị trường Trung Quốc

    03:00, 09/06/2022

  • Trung Quốc nới lỏng chính sách trước lo ngại dòng vốn nước ngoài “tháo chạy”

    Trung Quốc nới lỏng chính sách trước lo ngại dòng vốn nước ngoài “tháo chạy”

    04:00, 31/05/2022

  • Siết tín dụng bất động sản và động thái mới từ Trung Quốc

    Siết tín dụng bất động sản và động thái mới từ Trung Quốc

    11:00, 27/05/2022

CẨM ANH