Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân
Từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, những vấn đề xoay quanh vũ khí hạt nhân đã và đang được bàn đến một cách thận trọng.
>>Ai đang giải “cơn khát” vũ khí cho Ukraine?
Chỉ 3 ngày sau khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, Tổng thống Nga Putin lập tức ra lệnh cho lực lượng hạt nhân nước này nâng cấp “tình trạng báo động cao”.
Ngày 19/2, ông Putin trực tiếp giám sát cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng hạt nhân chiến lược. Quan chức Nga nhiều lần úp mở về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến sự Nga- Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể chỉ là “đòn gió” răn đe đối phương.
Dễ thấy rằng, trong 80 năm qua, vũ khí hạt nhân là quân bài chiến lược uy lực nhất trong tất cả công nghệ chiến tranh từng được con người phát minh. Hễ có biến động, lập tức vũ khí hạt nhân được mang ra “lau chùi”.
Hẳn nhiên, tình hình lúc này không chỉ là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, cuộc chiến này là tiếng chuông cảnh báo thay đổi trật tự cũ, manh nha thiết lập trật tự mới.
Nền dân chủ phương Tây ngự trị mấy thế kỷ qua bị đặt trước thử thách. Thế giới đa cực - nơi không chỉ có Mỹ mà còn có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... “long tranh hổ đấu”.
Như một quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử, các cuộc khủng hoảng, biến động là biểu hiện bề nổi của vô số vấn đề nội tại bên trong cấu trúc kinh tế và chính trị. COVID-19 cũng có thể châm ngòi chiến tranh; sự trỗi dậy mạnh mẽ của một quốc gia nào đó ắt dẫn đến xung đột, mâu thuẫn.
Chúng ta biết khá rõ về Trung Quốc, nước này đã công khai kế hoạch cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, nghĩa là thách thức trật tự hiện có. Tất cả chỉ mới bắt đầu, hồi kết sẽ phải có người thắng kẻ thua. Đoạn đường đi đến phân định ngôi vị vô cùng khốc liệt, không loại trừ cuộc chiến tranh hạt nhân.
Và bây giờ, nước Nga của Putin ôm mộng phục hồi hào quang quá khứ, bất chấp tất cả hòng bình định láng giềng Ukraine. Chưa ai biết hồi kết cuộc song đấu này sẽ đến đâu. Nhưng chắc chắn, cái giá phải trả không hề rẻ.
Trong tình hình thế giới nguy hiểm như thùng thuốc súng, người ta lại rùng mình đặt câu hỏi: Đến cuối cùng, mấy cường quốc trên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để định đoạt hiện trạng?
Sau sự kiện hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản, các nước lớn đã cùng nhau cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân, không cho phép bất kỳ quốc gia nào sở hữu thêm ngoài 8 nước ở tình thế “sự đã rồi”.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là thỏa thuận lớn nhất thế giới xét về số lượng thành viên. Nhưng gần đây, một số cam kết bị phá vỡ, vài quốc gia bị cáo buộc đơn phương thử nghiệm loại vũ khí chết chóc này, bất chấp tâm trạng lo ngại.
Có một thống kê ít người để ý, số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của Nga đã được triển khai hơn 2.500 đơn vị. Chúng được bố trí trên tàu ngầm, máy bay chiến đấu, chiếm đa số trong tổng kho. Nói cách khác, mọi thứ ở tình thế sẵn sàng khai hỏa!
Lằn ranh sử dụng hay không sử dụng vũ khí hạt nhân thật sự mong manh. Ví dụ, Nga cho rằng: Họ sẽ đáp trả bằng hạt nhân nếu lãnh thổ của họ hoặc đồng minh bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo, thậm chí hành động gây hấn chống lại Nga bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.
Một số học thuyết quốc phòng và chiến lược quân sự hiện nay đặt vũ khí hạt nhân vào trung tâm như trường hợp Triều Tiên, rút khỏi NPT từ năm 2003, được cho là liên tục thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Ấn Độ, Pakistan, Israel sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không tham gia NPT ngay từ đầu.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (Thụy Điển) đưa ra nhận định, chiến sự của Nga ở Ukraine và sự hậu thuẫn của phương Tây cho Ukraine làm gia tăng căng thẳng giữa 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân. Dường như nỗ lực phi hạt nhân đang thất bại, tổng lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu có thể đã tăng mạnh kể từ sau chiến tranh lạnh.
Có thể bạn quan tâm
Triều Tiên sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân?
05:50, 23/04/2018
Liệu Triều Tiên có loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân?
12:13, 13/06/2018
Rủi ro khó lường nếu chiến sự Nga - Ukraine kéo dài
04:30, 06/06/2022
Kết cục chiến sự Nga - Ukraine sẽ ra sao?
05:10, 05/06/2022
Chiến sự Nga - Ukraine đã làm thay đổi thế giới ra sao?
05:20, 30/04/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Ai là người hưởng lợi?
05:00, 23/04/2022