Nga xoay trục sang BRICS để "né đòn" của Mỹ và phương Tây

CẨM ANH 24/06/2022 04:30

Nga đang chuyển dòng chảy thương mại sang các thành viên thuộc BRICS, như Trung Quốc, Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và phương Tây gia tăng.

>>Trung Quốc hỗ trợ Nga như thế nào trong chiến sự ở Ukraine?

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Hội nghị

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đang tích cực định hướng lại các dòng chảy thương mại và các liên hệ kinh tế đối ngoại của mình hướng tới những đối tác quốc tế đáng tin cậy, chủ yếu là các thành viên BRICS.

Ông Putin cũng cho biết thêm thương mại giữa Nga và các nước BRICS đã tăng 38% lên 45 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay. "Quan hệ hợp tác giữa giới kinh doanh Nga và cộng đồng doanh nghiệp các nước BRICS đã được tăng cường đáng kể. Chẳng hạn, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để mở chuỗi cửa hàng Ấn Độ ở Nga và để tăng thị phần ôtô, thiết bị, phần cứng của Trung Quốc trên thị trường của chúng tôi", Tổng thống Nga cho hay.

Phát biểu trực tuyến tại buổi khai mạc Diễn đàn kinh doanh BRICS, Tổng thống Putin cáo buộc các nước phương Tây thực thi các biện pháp trừng phạt có động cơ chính trị, làm suy yếu lợi ích kinh doanh trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của tất cả các quốc gia.

Tổng thống Nga cho biết: “Các doanh nhân Nga buộc phải phát triển kinh doanh trong những điều kiện khó khăn khi các đối tác phương Tây bỏ qua các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, thương mại tự do, cũng như quyền bất khả xâm phạm về tài sản tư nhân”.

Tổng thống Nga Putin kêu gọi tăng cường mối quan hệ trong khối BRICS. Theo Tổng thống Nga, quốc gia này đang thảo luận về việc tăng cường nhập khẩu ô tô Trung Quốc vào thị trường Nga cũng như việc mở các chuỗi siêu thị của Ấn Độ tại Nga.

Cùng với đó, hệ thống tài chính Nga sẵn sàng kết nối với ngân hàng từ 5 quốc gia thành viên BRICS, và Nga đang tìm những cách thức mới để giao dịch nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ như USD hoặc euro.

“Nga đang cung cấp dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ với số lượng ngày một lớn. Hợp tác nông nghiệp đang phát triển năng động, cũng như việc xuất khẩu phân bón của Nga sang các nước BRICS đang được tăng cường", Tổng thống Nga nhấn mạnh. 

Có thể thấy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã thúc đẩy Putin tìm kiếm thị trường mới và tăng cường quan hệ với các nước ở châu Phi và châu Á.  

>>Bất chấp nguy cơ bị trừng phạt, Trung Quốc vẫn ồ ạt nhập khẩu than của Nga

Các nhà lãnh đạo thượng đỉnh 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS

Các nhà lãnh đạo 5 nước công nghiệp mới nổi BRICS tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến năm 2021

Với việc các nước BRICS có dân số hơn 3 tỷ người, chiếm 25% GDP toàn cầu, 20% thương mại, khoảng 25% đầu tư trực tiếp toàn cầu và tổng dự trữ quốc tế của BRICS chiếm khoảng 35% của thế giới, BRICS là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp của Nga. Moscow cũng kỳ vọng việc xoay trục sang các quốc gia thành viên BRICS sẽ giảm bớt những thiệt hại đến nền kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Trước đó, ba số các thành viên của BRICS là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương "không có giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.

Trong khi đó, Ấn Độ giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine để nước này có thêm lựa chọn đối tác trong một thế giới có nhiều trung tâm quyền lực. Đồng thời, quốc gia này đang là đối tác mua dầu mỏ lớn của Nga sau khi phương Tây cắt giảm sản lượng nhập khẩu từ Nga. Các chuyên gia nhận định, quan hệ thương mại giữa New Delhi và Moscow sẽ thắt chặt nếu xung đột Nga- Ukraine kéo dài.

Mặc dù vậy, theo Giáo sư Francois Heisbourg, Cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Nga khó có khả năng phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các quốc gia khác thuộc BRICS trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều mâu thuẫn. “Do Nga có mối quan hệ bền chặt với Ấn Độ nên mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không phải là mối quan hệ đồng minh", ông Francois Heisbourg nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc luôn theo đuổi lợi ích quốc gia. Đối với Trung Quốc, mục tiêu chính là  chống lại Mỹ, và Nga chỉ là đối tác cần thiết giúp Trung Quốc thực hiện điều này.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cú sốc” cấm vận dầu mỏ Nga

    “Cú sốc” cấm vận dầu mỏ Nga

    12:06, 05/06/2022

  • EU cấm vận dầu mỏ, Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine?

    EU cấm vận dầu mỏ, Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine?

    15:26, 31/05/2022

  • Cấm vận dầu từ Nga có thể đẩy giá dầu lên 300 USD/thùng

    Cấm vận dầu từ Nga có thể đẩy giá dầu lên 300 USD/thùng

    04:30, 23/03/2022

CẨM ANH