Nga kiểm soát toàn bộ Lugansk, Donbass sẽ sớm "vỡ trận"?
Nga đã chiếm được Lysychansk, đồng nghĩa đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk. Điều này có thể khiến vùng Donbass có nguy cơ rơi vào thế khó trước sức ép của quân đội Nga.
>>Thêm nhiều vũ khí tối tân, Ukraine sẽ đảo ngược tình thế trước Nga?
Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này và phe ly khai đã "giải phóng Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR)" sau khi kiểm soát hoàn toàn thành phố Lysychansk và các thị trấn, làng mạc xung quanh. Quân đội Ukraine sau đó cũng xác nhận đã rút toàn bộ lực lượng khỏi Lysychansk để "bảo toàn mạng sống cho binh sĩ".
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Lysychansk là một chiến thắng quan trọng với Nga, giúp lực lượng này hoàn thành kiểm soát tỉnh Lugansk và tái củng cố lực lượng để chuẩn bị cho một chiến dịch mới. Từ bàn đạp ở Lysychansk, Nga sẽ đẩy tiền tuyến về phía Tây và Nam, tập trung vào Donetsk, hướng tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, nơi có nhiều mỏ khoáng sản và đất đai canh tác rộng lớn.
Các chuyên gia nhận định, thắng lợi của Nga tại Lysychansk sẽ tạo sức ép lên Mỹ và các nước châu Âu khi ngày càng có dấu hiệu cho thấy phương Tây dần chia rẽ do chiến sự Nga- Ukraine kéo dài. Chính phủ Mỹ đang đứng trước sức ép phải đánh giá triển vọng chiến sự ở Ukraine sau những thất bại trong các cuộc chiến trước đây, mà tai tiếng nhất là ở Afghanistan, nơi giới chức Mỹ che đậy nạn tham nhũng, thiếu hiệu quả của quân đội chính phủ Kabul, cũng như bỏ qua câu hỏi những thành công trên chiến trường có lâu dài hay không?
Mỹ đã chuyển giao số vũ khí và hỗ trợ an ninh lên đến 6,9 tỷ USD cho Ukraine. Washington cũng đi đầu kêu gọi các đồng minh viện trợ Kiev. Cho đến nay, nhiều loại vũ khí hiện đại đã được viện trợ cho Ukraine như hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa, máy bay không người lái hạng nặng, máy bay chiến đấu, xe thiết giáp hiện đại, hệ thống tên lửa chiến thuật… Tương tự, nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức.. cũng bắt đầu cung cấp các lô vũ khí tới Kiev sau khi hoàn thành khóa huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Dù viện trợ ngày càng nhiều vũ khí cho Ukraine, nhưng Nga vẫn áp đảo Ukraine về khí tài quân sự. Các chuyên gia cảnh báo, nếu điều này tiếp diễn trong 1 thời gian dài, sẽ tạo gánh nặng, đặc biệt với những nước có nguồn lực quân sự hạn chế. Điều này sẽ gây bất lợi cho Ukraine.
Ông Benjamin Friedman, Giám đốc chính sách của Defense Priorities nhận định, mục tiêu mà Ukraine đặt ra nhằm đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ “ngày càng trở nên phi thực tế”. Điều này sẽ dẫn tới một kịch bản các nước phương Tây buộc phải kéo dài sự chi viện cho chính quyền Kiev.
>>Lộ diện "phần băng chìm" trong chiến sự Nga- Ukraine
Một số nước châu Âu, trong đó có Anh, Canada, Ba Lan cho biết kho khí tài quân sự của họ đang cạn kiệt dần, kéo theo lo ngại về an ninh, quốc phòng. Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Tony Radakin nói rằng, nước này có thể phải mất nhiều năm mới có thể bù đắp được số vũ khí mà London đã gửi cho Ukraine.
Bên cạnh đó, các quan chức chính phủ Mỹ thường đánh giá kỹ lưỡng về các cuộc chiến có sự hiện diện của Mỹ, đặc biệt là với chiến sự tại Afghanistan và đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả. Nhưng với trường hợp Ukraine, nhiều ý kiến cho rằng, các thông tin bất lợi và những dự báo được Lầu Năm Góc giữ lại; cũng như không đưa ra những tuyên bố như viện trợ của Mỹ có thể định đoạt số phận chiến sự.
Do đó, không khí hoài nghi đang bao trùm Mỹ và các nước phương Tây xung quanh việc liệu các quan chức Mỹ có quá lạc quan về tình hình tại Ukraine hay không? Và liệu hai bên có thể chấm dứt chiến sự bằng một biện pháp hòa bình được hay không?
Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận trên mười quốc gia trong khu vực Châu Âu cho thấy, dư luận châu Âu đang thay đổi khi cho rằng những ngày khó khăn nhất có thể đang ở phía trước. Sự chia rẽ đang ngày một gia tăng giữa những người muốn kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt và những người ủng hộ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Nhiều chuyên gia dự báo trong thời gian tới, Nga sẽ tiếp tục kiểm soát thêm lãnh thổ và phá hủy cơ sở hạ tầng, đè bẹp sức kháng cự của Ukraine. Nhiều khả năng, các nước phương Tây sẽ dần thay đổi mục tiêu và chuyển hướng sang các biện pháp đối thoại nếu xung đột kéo dài.
Có thể bạn quan tâm
Lộ diện "phần băng chìm" trong chiến sự Nga- Ukraine
05:10, 04/07/2022
Thêm nhiều vũ khí tối tân, Ukraine sẽ đảo ngược tình thế trước Nga?
04:01, 04/07/2022
Tấn công Ukraine, Nga đã "dính bẫy" phương Tây?
05:10, 03/07/2022
Tấn công cảng biển, Nga muốn “bóp nghẹt” kinh tế Ukraine?
05:10, 02/07/2022
Chiếm giữ các cảng biển của Ukraine, Nga đang toan tính gì?
04:30, 01/07/2022