Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ IV): Kinh nghiệm quốc tế

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 18/08/2022 05:00

Trong số các quốc gia thúc đẩy chuỗi cung ứng ngắn hiệu quả, phải kể đến Israel, Pháp, Nhật. Trong đó, Pháp quy định cứng các thông số kỹ thuật để rút ngắn tối đa chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Israel phủ xanh sa mạc bằng công nghệ

Israel phủ xanh sa mạc bằng công nghệ

>> Chuỗi cung ứng ngắn "kéo” doanh nghiệp gần hơn với nông dân

Có một câu chuyện làm ăn kinh điển của người Israel như sau: Khi dân tộc Do thái được Liên Hợp Quốc cấp “sổ đỏ” giữa sa mạc khô cằn Negreb, mọi thứ ở đây chỉ có cát, nắng và gió, làm gì để sinh sống?

Chính phủ Israel bắt đầu thành lập các nhóm nghiên cứu tìm cách khắc chế sa mạc, vùng đất hoang sơ bắt đầu có người đến. Một nhà kinh doanh nhanh chóng mở ra trạm dừng chân, cung cấp nước ngọt cho người đi đường. Theo lẽ thường, mô hình “quán nước” sẽ mọc lên như nấm, nhưng người Israel làm khác.

Nhận thấy nhu cầu, một người khác đã xây trạm xăng, giải quyết bài toán đau đầu cho người đi đường; rồi quán ăn, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bưu chính thông tin nối đuôi nhau ra đời cho đến khi sa mạc Negreb trở thành vùng đất được biết đến như một biểu tượng của trí tuệ Do thái.

Hệ sinh thái kinh tế có khả năng hỗ trợ nhau chứ không phải cạnh tranh trực tiếp với nhau. Điều này khác biệt so với Việt Nam, giữa một bãi biển rất đẹp vài cây số, bạn không thể tìm thấy thứ gì khác ngoài mực luộc, tôm hấp, cháo cá và bán hàng rong, chúng nhiều và “đồng phục” đến mức không cần đắn đo chọn lựa.

Tại Israel, Hiệp hội nuôi cá ra đời trước khi có ý định đào hồ trên sa mạc, đó là các hợp tác xã nông nghiệp gọi là “kibbutzim”, tập hợp hữu cơ mạng lưới hợp tác xã gọi là “Dagim” - giống như “Sở chỉ huy” chuyên biệt việc nuôi cá.

Trang trại cá giữa sa mạc ở Israel

Trang trại cá giữa sa mạc ở Israel

>>Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ III): Thực trạng ở Việt Nam

Các chủ thể nuôi cá được phổ biến đồng loạt ngay từ đầu về “mục đích chính trị”, tiêu chuẩn chất lượng, công nghệ áp dụng, sản lượng hạn ngạch tương ứng với nhu cầu thị trường trong nước, khả năng chế biến, bảo quản và xuất khẩu ra nước ngoài.

Mang con cá từ sa mạc tới hàng chục quốc gia trên thế giới, người Israel tự chủ gần như hoàn toàn. Đây là chuỗi cung ứng ngắn và khép kín ở trình độ cao, từ tạo giống, phát minh công nghệ nuôi, lọc nước, túi bảo quản thực phẩm, thuốc diệt bệnh sinh học đến nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, phục vụ từng phân khúc khách hàng.

Ngoài những loại cá phổ thông như cá chép, rô phi, trắm cỏ, cá đối đầu dẹt cá vược, cá mè, cá hồi và một số loài cá cảnh. Israel còn biến cá tầm trắng thành tuyệt phẩm xa xỉ bậc nhất thế giới, trứng loài cá này chỉ có ở Israel mới đạt chất lượng tương tương giá trị 5.000 - 8.000 USD/kg.

Tất nhiên, trước đó Israel đã giải quyết vấn đề tạo ra nước ngọt trên sa mạc và sử dụng tuần hoàn từng giọt nước, chất thải ở ao cá vào hàng loạt mục đích khác nhau, đều tạo ra thu nhập từ trồng trọt.

Chỉ việc nuôi cá thoạt đầu giải quyết nhu cầu trong nước đã giúp Israel gầy dựng ngành công nghiệp công nghệ cao với đầy đủ lĩnh vực cung ứng, bổ trợ đi kèm. Cho đến nay, đây là chuỗi cung ứng hoàn hảo nhất trên thế giới, hoàn toàn miễn nhiễm với thời tiết hoặc các biến động ở bên ngoài.

Người trồng nho ở Pháp rất thành công với chuỗi cung ứng ngắn

Người trồng nho ở Pháp rất thành công với chuỗi cung ứng ngắn

Từ năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Pháp bắt đầu hành động về chuỗi cung ứng ngắn, theo kế hoạch này chuỗi cung ứng được xác định dựa vào thành tố cấu thành, theo định nghĩa “thương mại hóa nông sản thông qua bán trực tiếp hoặc bán gián tiếp khi chỉ có một trung gian tham gia”.

Về khoảng cách, người Pháp cũng thảo luận để đi đến thống nhất “cứng” vấn đề này. Ví dụ, nho ủ rượu vang phải được mua trong vòng bán kính 500km. Hoặc khoảng cách từ trang trại đến điểm bán hàng nông sản tối đa 50km. Hiệu quả của mô hình này ở Pháp giúp nông dân/người trực tiếp sản xuất có cơ hội tiếp cận nhanh nhất với thị trường tiêu thụ/khách hàng.

Một ví dụ khác là thịt bò Kobe, Nhật Bản, khoảng 260 trang trại được chọn lựa. Quá trình giết mổ phải diễn ra tại Kobe, Sanda, Kakogawa, Himeji hay Nishinomiya với những kỹ thuật và quy trình truyền thống.

Bò Kobe từng bị cấm xuất khẩu trước năm 2007. Để có thể xuất khẩu loại bò này, các doanh nghiệp phải vượt qua quá trình đàm phán công phu nhiều năm để chứng tỏ năng lực về thị trường địa phương, cũng như cam kết sản lượng tiêu thụ trước khi được Hiệp hội bò Kobe đồng ý. Thịt bò Kobe định danh ở tỉnh Hyogo, vùng Kansai, tuyệt đối không được giao cho bất cứ doanh nghiệp ngoài ngành nào tham gia kinh doanh, buôn bán.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ I): Phôi thai kỷ nguyên mới

    Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ I): Phôi thai kỷ nguyên mới

    05:00, 15/08/2022

  • Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ II): Con đường tất yếu

    Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ II): Con đường tất yếu

    05:00, 16/08/2022

  • Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ III): Thực trạng ở Việt Nam

    Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ III): Thực trạng ở Việt Nam

    05:00, 17/08/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ