Hội nghị Jackson Hole "hé lộ" thế khó của FED
FED nắm quyền cán về đồng bạc quyền lực nhất thế giới, nhưng bên cạnh đó rất nhiều vấn đề "nóng" mang tính toàn cầu mà chỉ mỗi Mỹ không giải quyết được.
>>Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ
Tại hội nghị Jackson Hole, Wyoming (Hoa Kỳ) năm nay, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (FED), Jerome Powell chỉ phát biểu rất ngắn gọn, khoảng 8 phút đồng hồ. Ông cũng không nói sâu và rộng về những vấn đề liên quan như thường lệ.
Việc kiệm lời của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương quan trọng nhất thế giới đã phản ánh đầy đủ hiện trạng kinh tế Mỹ đang đối mặt: Kinh tế tăng trưởng âm liên tục trong quý 1 và quý 2 năm nay; Lạm phát cao nhất 40 năm, 8,5% trong tháng 7; thắt chặt tiền tệ tối đa là cách duy nhất đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%...
Tuy nhiên, FED càng tăng lãi suất để chống lạm phát càng đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái sâu hơn- ông Powell lập luận như thế, kịch bản tổng thể này như một dự báo chắc chắn xảy ra. Đó là thông tin khiến thị trường rúng động.
Khoảng thời gian đầu năm 2022, nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Mỹ khó tránh khỏi tình trạng đình lạm - nghĩa là suy thoái đi kèm lạm phát. Trên thực tế, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi đã trải qua 2 quý tăng trưởng âm, trong khi lạm phát vọt lên mức cao nhất trong 40 năm. Nỗ lực của FED chỉ có thể giải quyết 1 trong 2 vấn đề mà thôi.
Phương án tiếp tục giữ nới lỏng định lượng như trong thời kỳ cao trào COVID-19, tạo ra tăng trưởng trong môi trường lạm phát đã không còn phù hợp. Thay vào đó, FED phải kiểm soát chặt dòng tiền để cắt cơn lạm phát, chấp nhận “cú đau” suy thoái kinh tế.
>> Chủ tịch FED “mạnh miệng” ở Jackson Hole, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp
Vậy, FED có thể tăng lãi suất đến mức nào? Theo dữ liệu từ công cụ Fed Watch Tool của sàn giao dịch CME, xác xuất FED nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 là 54,5%. Và theo dự báo của nhiều chuyên gia, FED có thể tăng thêm 2 đợt lãi suất nữa sau cuộc họp tháng 9 rồi sau đó duy trì ở mức đó thêm một thời gian trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.
Như một quy luật khách quan, lãi suất cao hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng, tiêu dùng cơ bản bị bó hẹp, nhà đầu tư thận trọng hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh co lại, nền kinh tế suy giảm và việc làm sẽ khan hiếm hơn. Liệu điều này có thể gây ra khủng hoảng liên hoàn trên toàn cầu?
Bà Kristina Hooper, Chuyên gia về thị trường toàn cầu tại Invesco bình luận: “FED là ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới và có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu - nếu lãi suất đồng USD tăng đột biến”.
FED mạnh tay nâng lãi suất là động lực chính cho đồng USD tăng giá. Theo giới quan sát, đà tăng của “đồng bạc xanh” có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu và giáng đòn mạnh vào các quốc gia có khoản vay bằng đồng USD, nhất là những nước nghèo.
Xem xét trong không gian rộng hơn, khả năng kiểm soát lạm phát của FED ẩn chứa rất nhiều bất trắc. Bài toán thiếu hụt năng lượng mỗi mình nước Mỹ không thể giải quyết được. Dữ liệu cho thấy giá nhiên liệu ở Mỹ tăng 60% so với năm ngoái, góp phần lớn nguyên nhân đẩy CPI lên cao.
Nguồn cung dầu thô và khí đốt từ Nga chỉ ổn định khi 3 bên Nga - châu Âu - Mỹ dàn xếp được căng thẳng trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, điều này không dễ, bản thân Washington chưa có dấu hiệu buông tay trong chiến sự Nga - Ukraine.
Trong khi COVID-19 rình rập quay lại, vấn đề là truyền thông cạn hứng thú đào bới thông tin về nó mà thôi! Cho dù nước Mỹ an tâm hơn nhờ vaccine nhưng Trung Quốc không đồng nhất với thế giới cách thức chống dịch. Chính sách “zero COVID” của Trung Quốc không khác gì lệnh trừng phạt phí chính thức nhằm tất cả những nền kinh tế nhập nguyên liệu, thành phẩm từ Bắc Kinh.
Điều đáng nói là chuỗi cung ứng dài đã gãy vụn ở châu Á, chuỗi cung ứng mới theo trục Mỹ - châu Âu - Nhật Bản chưa thành hình; hàng trăm danh mục hàng hóa chiến lược từ Trung Quốc không còn xuất cảng dễ dàng, khan hiếm hàng hóa “nuôi dưỡng” lạm phát tốt hơn bất cứ điều kiện nào.
Trên đây là những vấn đề hóc búa nhất mang tính chất toàn cầu, cho dù đó là nền kinh tế mạnh nhất cũng không thể tách biệt với phần còn lại.
Có thể bạn quan tâm
“Bóng ma” suy thoái kinh tế Mỹ tạo lực đẩy giá vàng tuần tới?
05:10, 26/06/2022
Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, vàng bật tăng trở lại
04:30, 30/04/2022
Nỗi ám ảnh kinh tế Mỹ
03:17, 09/04/2022
FED “đốt nóng” kinh tế Mỹ như thế nào?
06:00, 28/07/2021
Bà Janet Yellen: Lãi suất cao tốt cho kinh tế Mỹ và cho Fed
10:25, 07/06/2021
Cơ hội từ đà phục hồi kinh tế Mỹ
05:30, 21/03/2021