Chiến sự Nga- Ukraine: Phương Tây "hụt hơi" viện trợ vũ khí cho Ukraine

CẨM ANH 30/08/2022 04:30

Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, một số nước phương Tây đang "hụt hơi" trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine.

>>Dầu mỏ - "vũ khí" gây sát thương mạnh của Nga

Các quan chức, trong đó có cả thành viên quân đội Anh và Ukraine, bắt tay trước khi dỡ hàng trong gói hỗ trợ an ninh của Anh cho Ukraine tại sân bay quốc tế Boryspil bên ngoài thủ đô Kiev ngày 9/2. Ảnh: Reuters

Các quan chức Anh chuyển giao gói hỗ trợ an ninh của Anh cho Ukraine tại sân bay quốc tế Boryspil, Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Anh, nguồn hỗ trợ tài chính của nước này cho quân đội Ukraine sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay. Anh đã viện trợ quân sự trị giá hơn 2,7 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

Mặc dù Anh đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 63 triệu USD cho Kiev và cam kết sẽ hỗ trợ quân đội Ukraine cho đến khi chiến sự Nga- Ukraine còn xảy ra, nhưng điều này sẽ gặp khó nếu cuộc chiến vẫn kéo dài sang năm 2023.

Trước đó, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy không chỉ Vương quốc Anh, các nước phương Tây khác cũng rơi vào trạng thái cạn nguồn cung vũ khí cho Ukraine. Viện Kiel về Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức công bố báo cáo cho thấy Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7. Đây là lần đầu tiên điều này diễn ra kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine bùng phát vào ngày 24/2.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gần đây nói rằng kho vũ khí của nước này đã cạn kiệt do viện trợ quân sự cho Ukraine và Warsaw cần các đồng minh phương Tây cung cấp nguồn thay thế.

Các chuyên gia cho biết, các đồng minh của Ukraine có thể gặp khó khăn trong việc viện trợ các vũ khí tối tân, chẳng hạn như Javelin... Tính đến giữa tháng 8, Mỹ đã viện trợ cho Kiev khoảng 8.500 hệ thống Javelin, nhưng theo phân tích của The Economist, quân đội Mỹ chỉ mua tổng cộng khoảng 34.500 hệ thống Javelin trong những năm qua. Trong khi sản xuất không thể tăng nhanh và hiện cũng tồn tại sự cạnh tranh tiếp cận nguồn cung hạn chế khi các nước châu Âu khác đang tìm cách tăng kho vũ khí của họ.

"Dữ liệu cho thấy cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine đã suy giảm liên tục từ tháng 4. Các sáng kiến viện trợ mới đang cạn dần, dù chiến sự Nga- Ukraine bắt đầu bước vào giai đoạn then chốt", ông Christoph Trebesch, Trưởng nhóm thu thập dữ liệu về viện trợ cho Ukraine của Viện Kiel, nhận xét.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine sắp "cạn kiệt" vũ khí viện trợ

Binh sĩ Ukraine vận hành một khẩu pháo CAESAR do Pháp chuyển giao. Ảnh: BQP Ukraine.

Binh sĩ Ukraine vận hành một khẩu pháo CAESAR do Pháp chuyển giao. Ảnh: BQP Ukraine.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Nga Konstantin Sivkov cho biết các kho vũ khí hiện nay của phương Tây đều không đủ để viện trợ cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine hay bất cứ nơi đâu. "Các nước phương Tây cũng cần đảm bảo an ninh quốc phòng của chính họ và duy trì sự hiện diện quân sự tại một số điểm nóng cùng các đồng minh. Mọi thứ sẽ dần trở nên khó khăn hơn khi kinh tế suy thoái, giá lương thực tăng và một cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập có thể dẫn đến một mùa đông đầy thử thách cho châu Âu", chuyên gia này nhận định.

Trước mắt, Mỹ vẫn đang là quốc gia hỗ trợ vũ khí lớn nhất của Ukraine. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho biết, Mỹ đang tăng tốc sản xuất hệ thống HIMARS để cung cấp cho Ukraine. Tuyên bố này được ông LaPlante đưa ra sau khi thăm các cơ sở của hãng Lockheed Martin ở Camden, Arkansas, nơi sản xuất HIMARS và hệ thống tên lửa dẫn đường phóng hàng loạt (GMLRS).

Ngày 24/8, khi xung đột Nga – Ukraine tròn 6 tháng, Tổng thống Biden cũng đã công bố khoản viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine trị giá gần 3 tỷ USD. Gói viện trợ mới sẽ bao gồm một số lượng không xác định các hệ thống chống máy bay không người lái mang tên VAMPIRE.

Dự kiến, một số vũ khí đến từ Mỹ trực tiếp được chuyển tới chiến trường, trong khi số khác bổ sung cho kho dự trữ của Mỹ tại châu Âu, nơi từng chuyển vũ khí tới Ukraine trước đó. Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc kỳ vọng, động thái hỗ trợ quân sự của Washington sẽ kích thích các quốc gia khác viện trợ cho Ukraine trong thời gian tới.

Cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ Dan Hamilton đánh giá: "Ít nhất trong tương lai gần, sự ủng hộ của Hoa Kỳ là không thay đổi. Điều này có nghĩa là một khi Ukraine vẫn có sự hậu thuẫn của Mỹ và một số quốc gia khác, xung đột sẽ vẫn tiếp tục diễn ra".

Có thể bạn quan tâm

  • Nga - châu Âu sắp bước vào “trận chiến mùa đông”

    Nga - châu Âu sắp bước vào “trận chiến mùa đông”

    17:19, 29/08/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Báo động nguy cơ thảm họa hạt nhân

    Chiến sự Nga- Ukraine: Báo động nguy cơ thảm họa hạt nhân

    04:00, 29/08/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Tái định hình phe nhóm

    Chiến sự Nga- Ukraine: Tái định hình phe nhóm

    04:00, 28/08/2022

  • Bế tắc đàm phán, chiến sự Nga- Ukraine sẽ ác liệt hơn

    Bế tắc đàm phán, chiến sự Nga- Ukraine sẽ ác liệt hơn

    04:00, 27/08/2022

  • Ukraine tung chiến thuật mới, Nga

    Ukraine tung chiến thuật mới, Nga "chùn bước" tiến công

    05:00, 26/08/2022

CẨM ANH