Nga dọa cắt dứt nguồn cung năng lượng, Châu Âu "cuống cuồng" đối phó
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cảnh báo sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng cho phương Tây, một động thái mà ông ám chỉ sẽ khiến châu Âu "đóng băng".
>>Nga vũ khí hóa năng lượng, Châu Âu lo ngại khủng hoảng
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok, ông Putin khẳng định giới hạn giá nhập khẩu khí đốt Nga đang được Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc là ý tưởng tồi, có nguy cơ dẫn đến việc tăng giá năng lượng. Mặc dù Tổng thống Nga khẳng định Moscow sẽ không thực hiện "các quyết định chính trị mâu thuẫn với hợp đồng", nhưng ông cảnh báo động thái của EU rõ ràng vi phạm các hợp đồng đã ký, đồng thời nói Nga có thể đáp trả bằng cách ngừng cung cấp nhiên liệu.
“Liệu họ có đưa ra các quyết định chính trị vi phạm hợp đồng?”, ông Putin đặt câu hỏi và nhấn mạnh trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ ngừng cung cấp năng lượng cho EU nếu điều đó đi ngược lại lợi ích kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, dầu diesel hay than đá nữa”.
Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu với lý do các vấn đề kỹ thuật trên đường ống Nord Stream 1, khiến khu vực này trở nên dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, ông Putin cũng đã bác bỏ lập luận cho rằng Nga đang sử dụng năng lượng như một loại vũ khí khi tạm ngừng cung cấp khí đốt và nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt ảnh hưởng tới độ an toàn của tuabin khi hoạt động.
Lời đe dọa của Tổng thống Putin đã làm tăng nguy cơ các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc phân bổ năng lượng vào mùa đông này. EU đã kêu gọi các thành viên tự nguyện giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% vào mùa thu và mùa đông nhưng điều đó có thể không đủ để giảm nhu cầu sử dụng khí đốt.
Hiện nay, các quốc gia phương Tây đều đang cố gắng gây áp lực lên nguồn thu năng lượng của Nga bằng cách đề xuất mức trần giá dầu và khí đốt của Nga. Theo tài liệu được Financial Times trích dẫn, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị các quốc gia thành viên triển khai biện pháp "áp giá trần bán sỉ khẩn cấp" với nguồn cung khí đốt và đưa ra hai lựa chọn. Một là thiết lập giới hạn thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga. Hai là triển khai hệ thống giá trần khác nhau theo từng nước, tùy vào mức độ phụ thuộc của họ vào khí đốt Nga.
>>Khủng hoảng năng lượng và kỳ vọng ở tân Thủ tướng Anh
Giá trần có thể do toàn EU thống nhất đưa ra hoặc một bên mua khí đốt Nga thương lượng mức cụ thể. Dù vậy, Brussels cũng lưu ý đề xuất này có nguy cơ kích hoạt các điều khoản "bất khả kháng" trong hợp đồng với Gazprom và "có thể làm leo thang căng thẳng địa chính trị" giữa Nga với châu Âu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đề xuất “5 biện pháp khẩn cấp” mà EU có thể giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao và bảo vệ người tiêu dùng bao gồm, tiết kiệm điện một cách thông minh; giới hạn doanh thu của các công ty sản xuất điện; giới hạn giá khí đốt của Nga; thiết lập một cơ chế đoàn kết để phân phối lại lợi nhuận quá mức của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch; cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp.
Một số nhà phân tích cho rằng, chưa rõ EU sẽ thực thi các biện pháp áp giá trần khí đốt Nga như thế nào, nhưng chắc chắn nếu các quốc gia EU cứng rắn với Nga, nhiều khả năng căng thẳng giữa Nga và châu Âu sẽ leo thang lên mức độ nguy hiểm. Theo chuyên gia Georgi Kantchey của WSJ, về cơ bản, áp giá trần khí đốt có khả năng sẽ không làm người dân có xu hướng tiết kiệm năng lượng, thậm chí còn phản tác dụng, khiến người dân và doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ khí đốt.
"Một mùa đông không quá lạnh sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và phần lớn người dân châu Âu có thể vượt qua mà không cần khí đốt Nga. Nhưng trong trường hợp ngược lại, các chính phủ châu Âu sẽ phải có phương án sử dụng năng lượng chặt chẽ hơn", ông Georgi Kantchey đánh giá.
Có thể bạn quan tâm