Nữ hoàng Elizabeth II: “Gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại
Nữ hoàng Elizabeth II là biểu tượng bất diệt trong lòng người dân Vương quốc Anh - người vừa buông hơi thở cuối cùng sau 70 năm trị vì ngai vàng.
>>Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96
Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại vị tròn 70 năm, bà là một trong những nữ vương trị vì ngai vàng lâu nhất lịch sử. Bà trở thành một biểu tượng bất diệt không chỉ riêng tại Vương quốc Anh mà còn cả thế giới đương đại.
Nữ hoàng Elizabeth II là một người phụ nữ bé nhỏ đúng nghĩa đen, luôn xuất hiện trước công chúng với nét mặt tươi tắn, trí tuệ và anh minh. Chúng ta thường thấy Nữ hoàng Elizabeth II với găng tay trắng, mũ rộng vành, nói như người dân Anh “bà luôn có mặt ở bất cứ đâu chúng tôi cần”.
Là vị vua đương đại, ở một quốc gia văn minh, thịnh vượng bậc nhất, bà còn là biểu tượng của sự phát triển, đạt đến chân lý thời đại. Tất cả những điều này biểu hiện rõ rệt trong tiến trình của nước Anh từ sau thế chiến II đến nay.
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng gia Anh đã chứng minh cho thế giới thấy rằng, hoàn toàn có thể tổ chức hệ thống chính trị pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Nền quân chủ lập hiến hoàn toàn có thể song hành với nội các cộng hòa.
Hệ thống chính trị Anh có sự kết hợp giữa một bên là Hoàng gia và một bên là nhà nước tư bản điển hình. Sau các cuộc cách mạng tư sản, không nhiều quốc gia châu Âu còn có thể dung hòa với yếu tố phong kiến sót lại. Vì vậy, thể thức quân chủ lập hiến là hiện tượng đặc biệt trong đời sống chính trị quốc tế.
Đến nửa sau thế kỷ 19, hầu hết triều đại phong kiến ở châu Âu bị tuyệt diệt. Nhà tư tưởng - triết học Hegel gọi đế chế ở Vương quốc Đức - Phổ, là phản động, cần dọn dẹp để mở đường cho giai cấp tư sản lên nắm quyền.
Hệ thống tư tưởng Âu châu thời kỳ này tập trung lên án chủ nghĩa phong kiến, bị quy kết là rào cản, cần phải đánh đổ. Cách mạng tư sản Anh diễn ra khá sớm, nổi lên là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa phe Bảo hoàng của vua Charles I và phe nghị hội.
Giai cấp tư sản thắng thế, thiết lập phương thức sản xuất mới, nhưng phe phong kiến vẫn tìm kiếm được lý do tồn tại, phân chia quyền lực rõ ràng, giành trọn những gì tốt nhất cho chính thể mới đưa nước Anh lên hàng số thế giới suốt thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19.
Hoàng gia Anh tự thay đổi chính mình để phù hợp với thời đại mới - không còn trung ương tập quyền, dưới gầm trời này tất thảy của bệ hạ. Đó là sự tiến bộ vượt bậc về tư duy chính trị, ngày càng ăn sâu bén rễ trong tiềm thức người dân Anh, đóng vai trò sợi dây kết nối đại đoàn kết dân tộc.
Do vậy, sự tồn tại của Hoàng gia Anh lại là một điều đặc biệt của lịch sử. Nhà vua không nắm nhiều thực quyền, nhưng là hiện thân của dấu tích lịch sử, được tôn trọng tuyệt đối để trở thành biểu tượng quốc gia, mỏ neo cần thiết để quy tụ mọi tầng lớp trong xã hội.
Chính trường Anh xáo trộn kể từ khi phong trào Brexit bắt đầu. Trong 12 năm gần đây có 4 đời Thủ tướng, trong số 56 Thủ tướng kể từ năm 1800. Tân Thủ tướng Liz Truss hiện đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.
Trong suốt lịch sử, Hoàng gia luôn đồng hành với Chính phủ, được hiến định nhiều nhiệm vụ quan trọng như bổ nhiệm Thủ tướng, mở hoặc giải tán Quốc hội, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tuy vậy, nhà vua và hoàng thân quốc thích vẫn giữ thái độ trung lập chính trị, không vượt qua lằn ranh quyền lực.
Nữ hoàng Elizabeth II là người sống qua nhiều biến cố lịch sử, khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 dẫn đến sự xuất hiện trục phát xít, đỉnh cao là chiến tranh thế giới thứ hai; phân cực Ianta, cạnh tranh Liên Xô - Mỹ; châu Âu từ huy hoàng đến suy thoái như hôm nay. Trong quá trình này, nước Anh đóng vai trò to lớn, đằng sau có bóng dáng của Hoàng gia.
Nữ hoàng Anh buông hơi thở cuối cùng vào ngày 08/09/2022, sau khi bổ nhiệm nữ Thủ tướng Liz Truss - hoạt động chính trị cuối cùng, quan trọng mà nữ hoàng thực hiện. Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II được cả thế giới bày tỏ thương tiếc, hồi tưởng và ngưỡng mộ.
Có thể bạn quan tâm