Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á (Bài 1)

Diendandoanhnghiep.vn Anh đang tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa với khu vực ASEAN trong bối cảnh nước này muốn tăng cường mối quan hệ song phương thời kỳ hậu Brexit.

Trong hồi ký của mình, Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có hồi tưởng về việc ông tham dự cuộc họp của Khối thịnh vượng chung năm 1962 giữa thủ tướng Anh và các nhà lãnh đạo của các nước Thống trị để thảo luận về việc Vương quốc Anh xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, nay là Liên minh Châu Âu.

Cụ thể, Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có nhắc về chi tiết Thủ tướng Vương quốc Anh khi đó là Harold Macmillan đã khẳng định rõ rằng tương lai của Anh là ở châu Âu, chứ không phải các thuộc địa cũ của mình, bao gồm cả các thuộc địa ở Đông Nam Á. 

Sau gần nửa thế kỷ là một phần của Liên minh châu Âu hay tiền thân của nó là Cộng đồng Kinh tế châu Âu, Vương quốc Anh đã hoàn toàn rời khỏi EU vào cuối năm ngoái để một lần nữa tìm kiếm sự tham gia độc lập với thế giới

Sau gần nửa thế kỷ là một phần của Liên minh châu Âu hay tiền thân của nó là Cộng đồng Kinh tế châu Âu, Vương quốc Anh đã hoàn toàn rời khỏi EU để một lần nữa tìm kiếm vai trò độc lập với thế giới

Trong hồi ký Cố Thủ tướng Lý viết: “Sự thịnh vượng của Vương quốc Anh được tạo ra tốt nhất ở các lục địa lớn, như Châu Mỹ và Châu Âu, nơi thông tin liên lạc tốt tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và các trao đổi khác. Một đế chế ở nước ngoài như đế chế mà nước Anh đã từng xây dựng không còn là con đường dẫn đến sự giàu có!”

Có lẽ tại thời điểm đó, cựu Thủ tướng Harold Macmillan không thể hình dung rằng gần 60 năm sau, đường đi Vương quốc Anh đã đảo ngược hoàn toàn. Quốc gia này hoàn toàn rời khỏi EU vào cuối năm 2020 để một lần nữa khẳng định độc lập với thế giới theo các điều kiện của riêng mình và đặt mối quan hệ sâu sắc hơn với châu Á vào trong chương trình nghị sự của mình.

Không phải vô lý khi mối quan tâm đặc biệt trong giai đoạn mới - giai đoạn "Nước Anh toàn cầu" chính là khu vực Đông Nam Á - một khu vực có quan hệ lịch sử lâu đời với Đế quốc Anh và hiện là một lực lượng thống nhất và có ý nghĩa kinh tế thông qua nhóm 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Nhưng ngược lại, liệu ASEAN có muốn Vương quốc Anh tham gia nhiều hơn không? Câu trả lời ngắn gọn là có, nhưng không hề đơn giản!

Về kinh tế, ASEAN chắc chắn không thể bỏ qua Vương quốc Anh. Năm 2019, Anh chiếm 12,7% trong tổng giá trị 280 tỷ USD thương mại hàng hóa của ASEAN với EU, chỉ đứng sau Đức, Hà Lan và Pháp. Vương quốc Anh cũng chiếm hơn một nửa trong tổng số 15 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào ASEAN trong năm 2019.

Một trong những nỗ lực để “hoà nhập” trở lại với quốc tế, London đã tìm cách trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về phía mình, ASEAN thậm chí sẽ "hoan nghênh việc Vương quốc Anh xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong tương lai", theo nhận định của Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN tại Bộ Ngoại giao Thái Lan Usana Berananda khi bà này nói về thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và các quốc gia ASEAN.

Về mặt ngoại giao, các thành viên ASEAN có thể coi Anh như một đối trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang diễn ra trong khu vực. Theo điều phối viên Sharon Seah tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, “ASEAN đang tìm kiếm sự cân bằng địa chính trị và chiến lược trong khu vực. ASEAN đã bị buộc phải đứng về bên nào và chắc chắn không quốc gia nào thích điều này”.

Chưa kể đến, việc hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe đối với Vương quốc Anh dường như cũng được các nước ASEAN khá quan tâm.

Mặc dù sự hợp tác giữa Vương quốc Anh và khu vực ASEAN có được nhiều thuận lợi như vậy, nhưng liệu quốc gia này có thể đóng một vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Một vấn đề quan trọng là việc Anh xin quy chế đối tác đối thoại ASEAN. Động thái này được xem là một bước đi của Bộ Ngoại giao Anh nhằm thắt chặt mối quan hệ sâu sắc hơn với các khối bên ngoài khu vực hậu Brexit, nhằm mở ra thời cơ mới về thương mại, giáo dục, khoa học và an ninh.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết nước Anh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác tại Châu Á giữa thời điểm khu vực này ngày càng trở nên quan trọng. Ngoại trưởng Anh khẳng định: “Qua việc trở thành một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, chúng ta có thể tăng cường năng lực hợp tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về mọi vấn đề từ biến đổi khí hậu cho đến ổn định khu vực”, ông Raab cho biết.

Tuy nhiên, không phải cứ Anh muốn là được. Rắc rối chính là ở chỗ, ASEAN từ lâu đã có một lệnh cấm mở các quan hệ đối tác đối thoại mới, với sự tiếp nhận cuối cùng là Ấn Độ, Trung Quốc và Nga vào năm 1996.

Trên thực tế, đối tác đối thoại ASEAN quan trọng không chỉ trong việc tạo cơ hội cho các nước thảo luận về các vấn đề bao gồm kinh tế, tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ, mà vì nó là tiền thân của một hiệp định thương mại tự do với nhóm 10 nước.

Về phía Anh, theo lời của Đại sứ ASEAN tại Anh Jon Lambe thì quốc gia này coi thỏa thuận thương mại với ASEAN là "ưu tiên cực kỳ cao" bởi đây được xem là một bước đi quan trọng thời kỳ hậu Brexit, điều này sẽ cho phép Vương quốc Anh đảm bảo các cơ hội thương mại mới trên toàn thế giới.

(Còn tiếp)

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á (Bài 1) tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711648488 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711648488 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10