Châu Âu đối mặt với mùa đông thiếu khí đốt
Bất kể mùa đông có khắc nghiệt như thế nào, châu Âu cần tiêu thụ ít khí đốt hơn so với năm 2021 và ít hơn mức trung bình trong 5 năm qua.
>>Đường vòng của khí đốt Nga đến châu Âu
Trong cuộc họp gần đây, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt, trong đó có đánh thuế siêu lợi nhuận đối với một số nhà sản xuất năng lượng và đặt ra các mục tiêu giảm tiêu thụ bắt buộc.
Hiện tại, sự cố đường ống Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ càng làm tăng căng thẳng giữa Nga và các nước châu Âu. Theo các chuyên gia năng lượng, gần như chắc chắn phần lớn châu Âu sẽ đối mặt với mùa đông 2022 và có thể cả mùa đông tiếp theo nữa mà không có khí đốt Nga.
Đặc biệt, hộ gia đình, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp của Châu Âu là những đối tượng sẽ chịu tác động to lớn từ sự thiếu hụt lần này. Nhưng các động thái mà EU áp dụng có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt khí đốt hiện nay.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết châu Âu phải đối mặt với “những rủi ro chưa từng có”. Trong báo cáo khí đốt hàng quý được công bố vừa qua cho thấy các nước Liên minh châu Âu sẽ cần giảm 13% nhu cầu sử dụng khí đốt trong mùa đông trong trường hợp Nga cắt giảm hoàn toàn nguồn cung. Phần lớn sự cắt giảm đó sẽ phải đến từ hành vi của người tiêu dùng.
>>"Nóng" cuộc chạy đua khí đốt toàn cầu
Trước mắt, EU đã đồng ý yêu cầu giảm tiêu thụ điện ít nhất 5% trong giờ cao điểm. Đức và một số quốc gia khác, trước đây phụ thuộc đáng kể vào khí đốt của Nga, cần phải cắt giảm tiêu thụ nhiều hơn, vào khoảng 20%.
Bên cạnh đó, EU sẽ đánh thuế siêu lợi nhuận đối với các nhà sản xuất điện không dùng khí đốt khi họ bán điện cao hơn giá do chính phủ quy định và yêu cầu các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch phải đóng góp một khoản lợi nhuận để hỗ trợ cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, giá năng lượng cao cho đến nay đã khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp giảm tiêu thụ. Trong một số trường hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất, một số công ty đã ngừng sản xuất. Kết quả là, nhu cầu khí đốt trên toàn châu Âu đã thấp hơn 20% so với mức bình thường
Ông Klaus Muller, quan chức thuộc chính phủ Đức phụ trách giám sát mạng lưới khí đốt nhận định “Nếu không có khoản tiết kiệm đáng kể trong khu vực tư nhân, sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông.
Về ngắn hạn, các nguồn khí đốt khác như từ Na Uy, Bắc Phi và Azerbaijan, vẫn đang hoạt động bình thường. Dự trữ cho mùa đông năm nay đã đạt trên 80% - trước thời hạn của EU là vào cuối tháng 10. Khí đốt sẽ đóng vai trò dự phòng cho việc phát điện bằng nguồn tái tạo ở nhiều nước.
Tuy nhiên, một mối nguy hiểm khác được chỉ ra là đợt lạnh giá vào cuối mùa đông sẽ làm tình hình trở nên đặc biệt khó khăn vì trữ lượng khí đốt dưới lòng đất chảy chậm hơn vào cuối mùa. Theo IEA, kho dự trữ khí đốt phải duy trì trên 33%, trong khi dưới mức này sẽ xảy ra nguy cơ thiếu hụt nếu thời tiết lạnh kéo dài.
Nhu cầu khí đốt mạnh hơn dự kiến sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Đã đến lúc nhân rộng hơn nữa các chiến dịch công khai để tiết kiệm năng lượng để người dân châu Âu cần hiểu những gì phải làm. "Nguy cơ lớn nhất là giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bùng nổ khi nhu cầu tăng vọt vào mùa đông, đây là điều mà châu Âu khó có thể đối phó được bằng các kế hoạch hiện nay", ông Henning Gloystein, Giám đốc của tổ chức tư vấn Eurasia Group, cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm