Chiến sự Nga - Ukraine: "Lá bài" chính trị mới châu Âu đe dọa Nga
Cộng đồng chính trị châu Âu ra đời giúp hoàn thiện cơ chế kìm hãm Nga; đồng thời tăng cường tính thống nhất trong viện trợ cho Ukraine.
>>Châu Âu “xây tường” ngừa tai họa do chiến sự Nga - Ukraine
Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) gồm 44 thành viên vừa ra mắt tại thủ đô Prague, cộng hòa Séc, nhằm tối ưu hóa sức mạnh, giúp châu lục này gây sức ép lớn hơn với Nga.
EPC được xem như mảnh ghép giúp hoàn hoàn thiện cơ chế tự chữa lành vết thương do thiếu hụt năng lượng, lạm phát và suy thoái kinh tế; Đồng thời phổ biến hóa ý chí tăng cường hậu thuẫn cho Ukraine về mọi mặt.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiên về sức mạnh quân sự, bất kỳ sự can thiệp quá đà nào với chiến sự Nga - Ukraine đều có thể làm bùng phát chiến tranh đến mức mất kiểm soát. NATO là “thanh gươm” không dễ sử dụng khi các thành viên thuộc tổ chức chưa bị xâm phạm bằng vũ lực.
Liên minh châu Âu (EU) hiện nay chỉ 27 thành viên, các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng khó khăn kinh tế, manh nha bất ổn chính trị. Chính vì vậy, việc tập hợp thêm 17 thành viên ngoại khối giúp củng cố đáng kể tính chiến đấu.
Bên cạnh đó, EPC tạo điều kiện cho 17 quốc gia ngoài EU có cơ hội tham gia sâu hơn các vấn đề châu lục. Điều này phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho EU và mỗi nước châu Âu khi quá trình gia nhập EU vốn kéo dài và rất phức tạp.
Về phương diện địa chính trị, EPC đã lôi kéo phần còn lại của châu Âu về một phía, có nghĩa rằng chỉ còn Nga và một số nước cộng hòa nhỏ bé dưới trướng Nga thuộc về bên kia chiến tuyến.
Bộ trưởng ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov chỉ trích: “EPC được coi là một ý tưởng có chủ ý đối đầu và chia rẽ, việc trao cho Ukraine và Moldova quy chế “ứng cử viên vĩnh viễn của EU” là một phần của “ván bài địa chính trị chống lại Nga”.
Xung đột quân sự tại Đông Âu khiến “lục địa già” thức tỉnh, khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, hiếm khi nào châu Âu đạt được đồng thuận mau lẹ và tuyệt đối như với nhiều vấn đề đại sự trong 8 tháng ngắn ngủi của năm 2022.
Từ việc “cai” năng lượng Nga, viện trợ cho Ukraine đến các chiến lược an ninh “La bàn”, “phòng thủ chung” và bây giờ là EPC. Công cuộc cấm vận Nga đã xua tan bầu không khí nghi kỵ về tính toàn kết nội khối, phong trào ly khai được dập tắt, nỗi lo lạm phát, nợ công được gác lại.
Tất cả những điều ấy cho thấy, toàn bộ châu Âu hạ quyết tâm “chơi” với Nga tới cùng. Song, lần này không phải là cuộc chiến tranh súng đạn ở tình thế “cài răng lược” mà cuộc chiến tranh “nóng” đã được ủy nhiệm cho Ukraine.
Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một liên minh rộng rãi đến vậy để chống lại một quốc gia. Dĩ nhiên, chúng bao hàm trong đó rất nhiều nguy cơ có thể dẫn đến “hành động quyết định”.
Vấn đề là EPC có thể làm gì với Nga? Hành động tiếp theo như thế nào nếu cơ chế này không thể giúp châu Âu cảm thấy an tâm khi họ chưa tìm ra nguồn cung năng lượng bền vững?
Một vài tham chiếu đã từng xảy ra trong lịch sử, một nhóm các nước mạnh đã mang vũ khí để “nói chuyện” với các quốc gia yếu hơn chỉ để giải quyết bài toán nguyên nhiên liệu, thị trường.
Châu Âu có thể đã đi đường vòng để cùng Mỹ kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt khổng lồ. Kịch bản đã được các nhà phân tích nghĩ đến, khi Nga suy yếu, chia năm xẻ bảy là lúc những con mãnh hổ phương Tây nhảy vào.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu và thách thức làm đầy kho dự trữ khí đốt
04:00, 07/10/2022
Cuộc chiến Nga - Ukraine: Châu Âu thức tỉnh
06:33, 06/10/2022
Rời Nga, Châu Âu không dễ giải bài toán năng lượng
04:30, 04/10/2022
Châu Âu đối mặt với mùa đông thiếu khí đốt
03:30, 04/10/2022
Đường vòng của khí đốt Nga đến châu Âu
03:00, 18/09/2022
Ngành khoa học châu Âu "lao đao" vì thiếu năng lượng
03:45, 12/09/2022