Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Đến lúc thay đổi mô hình tăng trưởng?

NGỌC ANH 14/10/2022 06:05

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều của Trung Quốc vào nợ nần trong những năm gần đây đã khiến mô hình tăng trưởng của nước này không bền vững.

Trung Quốc đang bơm hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc đang bơm hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Bloomberg

>> Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những tác động tới Việt Nam

Sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng Ban lãnh đạo của nước này sẽ phải đối mặt với những lựa chọn kinh tế khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trung Quốc có thể sẽ phải thoát ra khỏi mô hình tăng trưởng kinh tế đã tạo ra rất nhiều thành tựu do bất bình đẳng leo thang, nợ gia tăng và lượng đầu tư lãng phí ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Hoặc Trung Quốc có thể chọn tiếp tục mô hình kinh tế hiện tại của mình trong một vài năm nữa cho đến khi các chi phí gia tăng này buộc Trung Quốc phải thay đổi.

Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt là vấn đề mà nhà kinh tế học người Mỹ gốc Đức Albert Hirschman đã mô tả cách đây nhiều thập kỷ. Hirschman lưu ý rằng tất cả tăng trưởng nhanh đều là tăng trưởng không cân bằng, và một mô hình phát triển thành công là một mô hình, trong đó tăng trưởng không cân bằng giải quyết và đảo ngược những mất cân bằng hiện có trong nền kinh tế. Nhưng khi những điều này bị đảo ngược và nền kinh tế phát triển, mô hình ngày càng trở nên không phù hợp với tập hợp mất cân bằng ban đầu và cuối cùng bắt đầu tạo ra một loạt vấn đề rất khác.

“Rất khó để từ bỏ một mô hình phát triển thành công. Bởi mô hình tăng trưởng thành công có xu hướng tạo ra một tập hợp các thể chế chính trị, kinh doanh, tài chính và văn hóa được gắn kết sâu sắc dựa trên tính liên tục của mô hình, và có thể sẽ có sự phản ứng mạnh mẽ về thể chế và chính trị đối với bất kỳ sự đảo ngược đáng kể nào”, Hirschman nhấn mạnh.

Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong vài thập kỷ tới.

Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong vài thập kỷ tới.

Mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư của Trung Quốc được thiết kế để giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn đầu tư bất thường của nước này, nhưng gần 4 thập kỷ sau, mô hình này đã khiến Trung Quốc có tỷ lệ đầu tư cao quá mức.

>> Kinh tế Trung Quốc giảm tốc đè nặng lên giá hàng hoá toàn cầu

Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư thường chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu, dao động từ 17 đến 23% đối với các nền kinh tế phát triển và từ 28 đến 32% đối với các nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư một lượng bằng 40 đến 50% GDP hàng năm của mình. Trung Quốc đã nỗ lực giảm tỷ lệ này, nhưng với tốc độ tăng trưởng quá phụ thuộc vào đầu tư, quốc gia này có thể không thể làm như vậy nếu không có sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế nói chung.

Trên thực tế, chính sách Zero COVID đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc, khiến nhiều nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này xuống dưới 3%. Nếu như chính sách này vẫn tiếp tục, tình hình kinh tế sẽ khó cải thiện.

Tỷ lệ đầu tư cao không phải lúc nào cũng là một điều xấu đối với Trung Quốc. Khi bắt đầu kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” vào cuối những năm 1970, sau 5 thập kỷ bao gồm chiến tranh với Nhật Bản, bất ổn trong nước, đất nước này đã không được đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, hậu cần và năng lực sản xuất. Những gì mà Trung Quốc cần trên tất cả là một mô hình phát triển ưu tiên đầu tư nhanh chóng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng mô hình hiện nay của Trung Quốc đang lộ rõ những bất cập mà Trung Quốc đã nhận thấy, cần sớm thay đổi.

Kỳ II: Nguy cơ khủng hoảng nợ

Có thể bạn quan tâm

  • Alibaba và những biểu hiện đặc sắc kinh tế Trung Quốc

    Alibaba và những biểu hiện đặc sắc kinh tế Trung Quốc

    06:10, 17/06/2022

  • Kinh tế Trung Quốc

    Kinh tế Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến lược zero- Covid

    04:27, 17/05/2022

  • Kinh tế Trung Quốc “ngấm đòn”

    Kinh tế Trung Quốc “ngấm đòn”

    01:00, 03/04/2022

  • Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ VII): Bất ổn kinh tế Trung Quốc

    Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ VII): Bất ổn kinh tế Trung Quốc

    03:31, 04/02/2022

  • Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới

    Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Tác động kinh tế thế giới

    03:04, 05/12/2021

  • Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Lặp lại “vết xe đổ” của Nhật Bản?

    Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Lặp lại “vết xe đổ” của Nhật Bản?

    00:00, 30/11/2021

NGỌC ANH