Nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc cố tình theo đuổi chiến lược "zero covid", cộng với những bất ổn nội tại có thể khiến kinh tế nước này suy giảm mạnh.
>>Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ V): 5 vấn đề đặt ra với kinh tế Mỹ
Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 8,02%, mức cao nhất kể từ 2012, sau mức tăng trưởng cả năm 2020 rất thấp ở mức 2,34%. Tuy nhiên, TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà tăng trưởng nhanh chóng vì gặp phải nhiều thách thức rất lớn.
Thứ nhất, dù có mức tăng trưởng cao nhưng tốc độ tăng trưởng từng quý sụt giảm rất mạnh từ mức 18,3% trong quý I xuống còn 7,9% và 4,9% trong quý II và III, tương ứng; quý IV dự báo còn thấp hơn nữa.
Thứ hai, khu vực bất động sản chiếm gần 30% GDP đang trong tình trạng vỡ nợ hàng loạt gây đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Thứ ba, cuộc khủng hoảng năng lượng, thiếu điện nghiêm trọng, đang gây đình đốn sản xuất.
Thứ tư, việc theo đuổi chính sách zero-Covid cực đoan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước khiến sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nặng nề.
Chính phủ gần đây còn khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong dịp tết âm lịch, điều này sẽ làm tồi tệ thêm triển vọng của sản xuất và tiêu dùng mùa cuối năm. Mặt khác, chính sách này còn khiến các nhà đầu tư nước ngoài càng muốn rút khỏi Trung Quốc nhanh hơn, làm trầm trọng thêm sự trì trệ và bất ổn trong thời gian tới.
Một nhà kinh tế Trung Quốc cho biết, nước này đang phải đối mặt với làn sóng thất nghiệp lớn từ năm nguồn bao gồm sự khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản, khu vực này chiếm gần 30% GDP và 26% lực lượng lao động thành phố; sự tháo chạy của doanh nghiệp nước ngoài; sự trì trệ của các công ty vừa và nhỏ không đủ sức sống sót qua đại dịch và những bất ổn hiện tại; sự đóng cửa lĩnh vực giáo dục phụ đạo tư nhân; sự sụp đổ của thương mại điện tử xuyên biên giới khi có tới hơn 3000 trang mạng điện tử Trung Quốc bị cấm trên các hệ thống thương mại điện tử toàn cầu vì tội bán hàng giả khiến một lượng lớn việc làm từ những hoạt động này bị mất đi.
>>Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ IV): Xung đột địa chính trị và địa kinh tế
Mức thất nghiệp chính thức được công bố chỉ là 5,6%, nhưng theo tính toán kỹ hơn của một số tổ chức thì mức này được ước tính là khoảng 20%, tức khoảng 100 triệu người. Do đó, một số chuyên gia dự báo rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với những bất ổn xã hội vì thất nghiệp cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức lớn.
Năm 2022 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo chỉ tăng trưởng trong khoảng 5,1% - 5,6% tùy theo từng dự báo. Tuy nhiên, cần lưu ý là những dự báo này được đưa ra trước những diễn biến như tình trạng vỡ nợ hàng loạt của các công ty bất động sản, hay khuyến cáo của chính phủ về hạn chế đi lại dịp tết âm lịch… Nghĩa là, mức tăng trưởng dự báo trong năm 2022 của nước này có thể phải điều chỉnh thấp hơn.
Sự sụt giảm tăng trưởng, bất ổn kinh tế và xã hội ở Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022. Tuy nhiên, vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay và trong tương lai dần chuyển sang Mỹ và các nền kinh tế phát triển nên tác động tiêu cực từ những bất ổn ở Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không lớn.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ V): 5 vấn đề đặt ra với kinh tế Mỹ
03:24, 03/02/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ IV): Xung đột địa chính trị và địa kinh tế
02:00, 01/02/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ III): Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ sớm chấm dứt?
04:03, 31/01/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nỗi lo lạm phát toàn cầu
04:19, 30/01/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Tăng trưởng không đồng đều năm 2021
04:30, 29/01/2022