Triển vọng kinh tế thế giới càng trở nên u ám hơn trước các động thái mới của Mỹ và Anh khiến tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông càng thêm bất ổn.
>>Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ "chảo lửa" Biển Đỏ
Trước hết, các đòn tấn công do Mỹ và Anh dẫn đầu – được cho đã khiến khoảng 5 người thiệt mạng – chắc chắn sẽ thổi bùng lên “ngọn lửa” trả đũa của lực lượng Houthi. Mới đây, Hussein al-Ezzi, một thành viên cấp cao của lực lượng này, cảnh báo Mỹ và Anh sẽ "phải trả giá đắt và chịu mọi hậu quả" từ động thái này.
Với tuyên bố trên, các chuyên gia lo ngại không chỉ những tàu hàng của Israel, mà cả của Mỹ và Anh, nhiều khả năng sẽ sớm thành những mục tiêu mới của Houthi trên Biển Đỏ. Nếu vậy, nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn chỉ còn là vấn đề thời gian và sẽ gây ra những hệ quả lâu dài, từ chi phí cho tới lạm phát.
Trước đó, hàng loạt công ty vận tải lớn của thế giới đã buộc phải định tuyến lại hoặc tạm dừng các chuyến hàng qua Biển Đỏ để đối phó với rủi ro ngày càng tăng tại đây, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá cước vận tải hàng hải có nơi tăng 80%, chi phí bảo hiểm tăng vọt nhiều khả năng sẽ chưa dừng lại sau các vụ việc mới đây.
Ông Brian Finucane, Cố vấn chương trình cấp cao của Hoa Kỳ tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng hành động của chính quyền Biden mâu thuẫn với mục tiêu đã nêu của họ là tránh một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Năng lượng có thể là mặt hàng chứng kiến biến động giá đầu tiên. Bởi Biển Đỏ là tuyến đường quan trọng để xuất khẩu dầu của Trung Đông sang thị trường toàn cầu. Mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định của khu vực sẽ khiến các nhà giao dịch trên thị trường bất an hơn về nguồn cung và góp phần đẩy giá lên cao ít nhất trong ngắn hạn.
Vào ngày 12/01 khi Mỹ tiến hành không kích, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã tăng tới 4,5%, lên 75,25 USD/thùng. Trong khi dầu thô Brent tăng 4% và nhanh chóng vượt qua mức 80 USD/thùng.
>>Những rủi ro lớn nhất thế giới năm 2024
Giá năng lượng tăng đã là nguồn cơn lạm phát của cả thế giới trong 2 năm qua, nhưng đó chưa phải là hết. Xung đột nếu bùng phát tại Trung Đông cũng sẽ làm tê liệt tuyến thương mại Biển Đỏ trong thời gian dài và chắc chắn sẽ làm rạn nứt chuỗi cung ứng hàng hóa xuyên lục địa.
Nền tảng vận chuyển hàng hóa Xeneta ước tính, việc định tuyến lại các hải trình dài hơn từ Biển Đỏ sang Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) sẽ khiến mỗi chuyến khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu.
Chi phí cao hơn này được dự báo sẽ sớm được các nhà bán lẻ và công ty sản xuất chuyển sang người tiêu dùng, thể hiện qua giá các loại hàng hóa liên quan tới tuyến đường này tăng lên trong thời gian tới. Trong kịch bản đó, nỗ lực chống lạm phát tại châu Âu hay các nước sẽ càng thêm lung lay.
Đáng lo hơn, ý nghĩa kinh tế rộng lớn hơn của động thái này được dự báo sẽ vượt ra ngoài giá vận chuyển và giá dầu. Sự can thiệp quân sự của Mỹ và các nước trong khu vực chắc chắn sẽ làm tăng thêm những rủi ro địa chính trị, leo thang căng thẳng và dẫn đến xung đột rộng hơn ở Trung Đông, như sự can thiệp tiềm tàng của Iran.
Những rủi ro như vậy, cũng giống như bài học Nga – Ukraine, nhiều khả năng sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến đầu tư, giá trị tiền tệ và sự ổn định kinh tế thế giới vốn đã bấp bênh trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
Biển Đỏ chìm trong "chảo lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa
03:30, 31/12/2023
Biển Đỏ "rực lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa
03:30, 21/12/2023
Hé lộ cách hoá giải căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và EU
03:30, 13/01/2024
Vấn đề sức khỏe "nóng lên" trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ
04:00, 11/01/2024
Viện trợ Mỹ cho Ukraine dưới góc nhìn kinh tế
03:00, 29/12/2023