Xung đột Israel - Hamas đã lan tới Biển Đỏ, nơi có kênh đào Suez đảm nhiệm khoảng 15% khối lượng thương mại và 30% lưu lượng container toàn cầu.
Tuyến đường hàng hải chạy qua Biển Đỏ đang có nguy cơ bị gián đoạn, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa triển vọng kinh tế thế giới.
>> Biển Đỏ "rực lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa
Đúng như dự báo, không gian ảnh hưởng của xung đột Israel - Hamas đã leo thang; những cơ sở kinh tế, năng lượng, hàng hải quan trọng bị “nhòm ngó”. Hàng loạt tàu chở hàng trên Biển Đỏ, qua kênh đào Suez đã bị tấn công từ tháng 11/2023.
Phía Mỹ cáo buộc lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công tàu chở hàng từ Ấn Độ Dương vào vịnh Aden - nơi có eo biển Bab al-Mandab hẹp nhất Hồng Hải, cũng là vị trí mà lãnh thổ Yemen án ngữ. Ngày 24/12 vừa qua, người phát ngôn của Houthi ở Yemen Mohammed Abdul-Salam cảnh báo Biển Đỏ sẽ là “đấu trường rực lửa” nếu Mỹ và đồng minh tiếp tục “các hành vi bắt nạt”.
Houthi là một tổ chức của người Hồi giáo nhiệt thành ủng hộ Palestine; tổ chức này đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ trọng yếu tại Yemen. Việc tấn công tàu hàng phương Tây nhằm mục đích trả đũa sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh với Israel trong cuộc chiến ở Dải Gaza.
Washington sáng kiến thành lập liên minh an ninh Biển Đỏ, gọi là “chiến dịch bảo vệ thịnh vượng”. Nhưng liên minh này không nhận được sự ủng hộ của Tây Ban Nha, Pháp và Italy cũng như một số quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, việc gây áp lực với Houthi không hề dễ dàng. Lực lượng này chủ yếu sử dụng máy bay không người lái và tên lửa phóng ra từ lãnh thổ Yemen. Hơn nữa, nếu Mỹ và đồng minh đáp trả bằng vũ lực mạnh với Houthi, có thể thổi bùng chiến tranh trong khu vực.
>> Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ: Thương mại Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Có thể thấy rằng, sức ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông không còn như vài thập kỷ trước. Washington càng quyết tâm ủng hộ Israel, càng khiến mâu thuẫn giữa khối Ả rập và người Do thái càng sâu sắc.
Hoạt động vũ trang của Houthi đã chặn tuyến đường vận tải biển vào kênh đào Suez - là tuyến đường biển nhanh nhất nối châu Á và châu Âu. Điều này khiến khoảng 30% lưu lượng container và 15% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu đi qua đây mỗi năm, có nguy cơ bị gián đoạn.
Các hãng vận tải biển hàng đầu thế giới, trong đó có Maersk (Đan Mạch) và Hapag Lloyds (Đức) đã ngừng đi qua Biển Đỏ sau khi nhóm chiến binh Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu từ đầu tháng 12/2023, làm gián đoạn thương mại toàn cầu thông qua Kênh đào Suez. Thay vào đó, họ định tuyến lại qua mũi Hảo Vọng miền Nam châu Phi, một hành trình dài hơn và tốn kém hơn.
Đơn cử, vào thời điểm nguy hiểm nhất, ngày 21/12 có hơn 105 tàu hàng chở theo 2,1 triệu container trị giá 105 tỷ USD đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Dĩ nhiên, điều này cũng “chở” theo lạm phát vì giá thành đắt đỏ hơn. IKEA là một trong những công ty sản xuất hàng đồ gia dụng hàng đầu thế giới chỉ ra rằng, việc chuyển hướng thương mại sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng phân phối của họ.
Vào tuần trước, giá cước là 1.900 USD cho một container 20 feet và 2.400 USD cho một container 40 feet. Riêng giá cước vận tải đường biển từ Thượng Hải đến London đã tăng lên đến 10.000 USD cho mỗi container 40 feet. Giá cước xe tải ở Trung Đông hiện đang được báo giá cao hơn gấp đôi. Ông Alan Baer, Giám đốc điều hành của OL USA cho rằng: “Ở một số tuyến thương mại nhất định, bạn sẽ thấy giá cước vận chuyển tăng từ 100 đến 300%”.
Đối với kinh tế toàn cầu, vận tải biển phức tạp và quan trọng hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Trên một con tàu nhiều khi chở theo hàng hóa của hàng chục quốc gia. Điều đó có nghĩa tất cả các chủ hàng từ nhiều quốc gia có hàng hóa trên con tàu đó hoặc đang chờ tàu nhận container đều phải đối mặt với tình trạng chậm trễ, tổn thất chi phí.
Vấn đề chi phí trong kinh tế hiện đại luôn ở trong trạng thái “lũy kế” và “liên đới”. Cước vận tải tăng thêm 1USD/container, thì nguyên liệu có thể bị đẩy lên hàng chục USD sau khi qua nhiều khâu trung gian để sản xuất ra thành phẩm, phân phối đến khách hàng. Đương nhiên, điều này sẽ đẩy lạm phát tăng cao.
Giá dầu đã tăng hơn 2% vào ngày 26/12/2023 lên mức cao nhất trong tháng này, do các cuộc tấn công tiếp theo vào các tàu ở Biển Đỏ, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn vận chuyển. Cụ thể: Giá dầu Brent tăng 2 USD lên 81,07 USD/thùng. Dầu thô Trung cấp West Texas của Hoa Kỳ tăng 2,01 USD, tương đương 2,7%, lên 75,57 USD/thùng.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là các bên chưa thể tìm ra phương án xoa dịu căng thẳng; nếu cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn thì Biển Đỏ còn “dậy sóng”. Hầu hết các nền kinh tế phải đối mặt thêm nhiều rủi ro trong năm 2024: Giá cước vận tải xuyên biên giới tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa, nhiệm vụ chống lạm phát gay go hơn…
Có thể bạn quan tâm
Biển đỏ “rực lửa” có thể “thiêu đốt” 20% năng lực vận tải toàn cầu
01:00, 25/12/2023
Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu
03:00, 12/12/2023
COP28: "Nóng" vấn đề xung đột Israel – Hamas
03:00, 04/12/2023
Xung đột Israel - Hamas: "Hé lộ" quan điểm của Trung Quốc
03:30, 01/12/2023
Xung đột Israel-Hamas: Nam bán cầu có vai trò gì?
03:20, 29/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Lý do Pháp không ủng hộ Israel
03:00, 27/11/2023