Nước Pháp không nằm trong số các nước phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas.
Có một điều lạ rằng nước Pháp đang trở thành ngoại lệ trong số các nước phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc tấn công nhắm vào dải Gaza. Thay vào đó, Tổng thống Emmanuel Macron đang đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhất từ bất kỳ nhà lãnh đạo G-7 nào đối với Israel kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel - Hamas. Đồng thời, ông cũng là tiếng nói duy nhất trong số các đồng minh của Mỹ về một lệnh ngừng bắn lâu dài.
>>Xung đột Israel – Hamas: Hé lộ "bế tắc" của Liên Hợp Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Macron nói: “Đây là giải pháp duy nhất để ngừng bắn, bởi vì không thể giải thích rằng chúng tôi muốn chống khủng bố bằng cách giết hại những người vô tội”. Bởi lẽ đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói rằng ông Macron đã “mắc sai lầm nghiêm trọng. Vậy nhưng, theo các chuyên gia, lãnh đạo Pháp có lý do để làm vậy.
Nhiều chuyên gia nói rằng, Pháp - nơi có cộng đồng Do Thái và Hồi giáo lớn nhất châu Âu - đang "tan nát" vì cuộc chiến giữa Israel và Hamas, là nguồn cơn khiến ông Macron muốn nó kết thúc càng sớm càng tốt.
Chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo đều đang gia tăng tại Pháp một cách trầm trọng. Các hành vi hoặc nhận xét chống Do Thái kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra đã nhiều gấp ba lần so với cả năm ngoái; 600 người bị bắt vì các vụ việc này. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Pháp nói rằng sự thù địch cũng đang âm ỉ chống lại cộng đồng của họ.
Hơn 100.000 người đã xuống đường ở Paris để bày tỏ tình đoàn kết với người Do Thái ở Pháp vào cuối tuần qua. Hôm thứ Bảy tuần qua, các chiến binh cực hữu đã đột kích vào một sự kiện do một hiệp hội ủng hộ Palestine tổ chức ở thành phố Lyon, miền đông nước Pháp, khiến 3 người bị thương.
Một khi cuộc chiến còn chưa kết thúc, chia rẽ gay gắt giữa hai cộng đồng lớn của nước Pháp sẽ khó có dấu hiệu giảm nhiệt khi con số người thiệt mạng ở Gaza cứ ngày một tăng. Ông Michel Wieviorka, Giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội Tiên tiến ở Paris, cho biết: “Nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn như thế này ở Trung Đông, thì tình hình nội bộ ở Pháp cũng sẽ vẫn tồi tệ như hiện nay”.
Xung đột Israel - Hamas cũng đang đặt ra cho ông Macron những thách thức chính trị mới. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu và là đối thủ đáng sợ nhất của Tổng thống theo đường lối ôn hòa, đã nhanh chóng tận dụng tình hình để giành ưu thế.
Dù có quá khứ bài Do Thái, nhưng đảng của bà Le Pen đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với chiến dịch quân sự của Israel. Theo các cuộc thăm dò hiện nay, bà đang dẫn đầu trong các cuộc bình chọn trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2027.
>>Xung đột Israel - Hamas vẫn nóng, giá dầu giảm mạnh vì đâu?
Theo các chuyên gia, việc không đứng cùng hàng ngũ với các cường quốc phương Tây khác và công khai chỉ trích Israel về hoạt động quân sự còn mang hàm ý khác lớn hơn: hiện thực hóa khát vọng vượt ra khỏi quỹ đạo của Hoa Kỳ và nâng tầm ảnh hưởng của mình trên trường thế giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết, không chỉ liên quan tới “quyền tự chủ chiến lược ” khỏi Washington của Tổng thống Macron, người Pháp đã có truyền thống đem tới những lập trường nhiều sắc thái hơn trong các vấn đề quốc tế.
Ông Christian Lequesne, Giáo sư quan hệ quốc tế tại trường đại học Sciences Po, cho biết: “Bất cứ khi nào khủng hoảng nổ ra, Pháp đều tìm cách tìm ra vai trò cho mình. Đối với người Pháp, sẽ là một thảm kịch nếu thừa nhận rằng họ không còn quan trọng nữa.
Cũng giống như cuộc chiến tại Ukraine, sau khi chiến tranh giữa Israel và Hamas nổ ra, ông Macron bắt đầu chuyến công du khắp khu vực, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Israel, Bờ Tây, Jordan và Ai Cập. Không chỉ vậy, ông tuyên bố triển khai hai tàu sân bay trực thăng tới phía đông Địa Trung Hải và cam kết sẽ đưa số tiền quyên góp của Pháp viện trợ cho người Palestine từ 20 triệu euro lên 100 triệu euro trong năm nay.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này nhằm tạo dựng vai trò cho mình, Pháp được cho là sẽ đối mặt với nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng hạn chế của mình đối với cuộc xung đột.
Ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết: “Các tác nhân bên ngoài quan trọng ở đây là Mỹ và Iran, trong đó Paris yếu hơn nhiều”.
Rõ ràng, Mỹ là bên ảnh hưởng nhất tới các nhà lãnh đạo Israel – những người nhận gần 4 tỷ USD tài trợ quốc phòng hàng năm từ Washington, chưa kể tới gói bổ sung đang được Quốc hội Mỹ xem xét trị giá 14 tỷ USD.
Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là liệu những lời chỉ trích thẳng thắn của ông Macron đối với Israel có đẩy nhanh việc chấm dứt giao tranh và ngừng bắn lâu dài được hay không. Nhưng với tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng ông sẽ vẫn phải dựa vào tiếng nói của Hoa Kỳ để thay đổi cục diện.
Cho đến nay, dù vẫn tránh thúc đẩy một lệnh ngừng bắn dài hạn, nhưng chính quyền Biden đang ngày càng hướng tới một giải pháp hòa giải hơn, như lên tiếng kêu gọi tạm dừng giao tranh để viện trợ cho dân thường và tạo điều kiện thả hàng trăm con tin trong tay Hamas.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Israel - Hamas: Doanh nghiệp phương Tây "gánh hậu quả"
04:03, 24/11/2023
Israel - Hamas ngừng bắn, xung đột Trung Đông sẽ ra sao?
04:00, 23/11/2023
Xung đột Israel – Hamas sẽ lan rộng ra toàn khu vực?
03:20, 20/11/2023
Xung đột Israel – Hamas sẽ thay đổi thế giới như thế nào?
04:00, 17/11/2023