Trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas ngày càng đẫm máu, các doanh nghiệp phương Tây kinh doanh tại các nước Ả Rập dường như đã cảm nhận được "hơi nóng".
Tại Cairo (Ai Cập), các chuỗi nhà hàng của McDonald’s (Mỹ) ngày một vắng khách từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Điều tương tự cũng đang bắt đầu lan sang các thị trường khác như Kuwait và Morocco.
>>Israel - Hamas ngừng bắn, xung đột Trung Đông sẽ ra sao?
Theo các nhà quan sát, tất cả bắt nguồn từ một chiến dịch tẩy chay diện rộng của khách hàng ở khắp nơi trong thế giới Ả Rập, phần lớn mang tính tự phát nhằm phản ứng với các cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza nhắm vào các bệnh viện giết chết nhiều dân thường.
Tác động rõ ràng nhất được ghi nhận ở Ai Cập và Jordan, hay Kuwait và Morocco đang dần tăng lên. Chỉ ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã xuất hiện tình trạng tẩy chay lẻ tẻ.
Ahmad al-Zaro, nhân viên thu ngân tại một siêu thị lớn ở thủ đô Amman của Jordan cho biết: “Không ai mua những sản phẩm của Mỹ”. Tại Kuwait, các chi nhánh của Starbucks, McDonald's và KFC gần như vắng khách. Tại Rabat, thủ đô Morocco, một nhân viên tại chi nhánh Starbucks cho biết lượng khách hàng đã giảm đáng kể trong tuần này.
Một số công ty được cho là có quan điểm ủng hộ Israel, có quan hệ tài chính với Israel hoặc đầu tư vào đó là những mục tiêu rõ ràng nhất của cộng đồng tiêu dùng Ả Rập.
Các lời kêu gọi tẩy chay đã lan truyền trên mạng xã hội liệt kê hàng chục công ty và sản phẩm, khiến người mua hàng chuyển sang các lựa chọn thay thế tại địa phương. Các video được lan truyền về cảnh quân đội Israel giặt quần áo bằng các nhãn hiệu chất tẩy rửa nổi tiếng để kêu gọi tẩy chay.
Có thể thấy, các chiến dịch tẩy chay lan rộng ở các quốc gia có truyền thống ủng hộ người Palestine. Ai Cập và Jordan dù đã đạt được hòa bình với Israel từ nhiều thập kỷ trước, nhưng những thỏa thuận đó không dẫn tới sự ưa chuộng nhau hơn.
Một nhân viên văn phòng của McDonald's ở Ai Cập cho biết doanh số tháng 10 và tháng 11 của chuỗi nhượng quyền thương mại tại thị trường này đã giảm ít nhất 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sameh El Sadat, một chính trị gia người Ai Cập và đồng sáng lập TBS Holding, nhà cung cấp cho Starbucks và McDonald's, cho biết ông đã nhận thấy nhu cầu từ khách hàng của mình giảm khoảng 50%.
Một số phong trào dường như đã lan ra ngoài Trung Đông tới các thế giới Hồi giáo khác. Tại Malaysia có đa số người theo đạo Hồi, các cửa hàng McDonald's đã chứng kiến lượng khách hàng giảm sút.
Thậm chí, ứng dụng gọi xe Grab cũng đang phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay ở Malaysia sau khi vợ của CEO Grab cho biết bà "vô cùng yêu mến" Israel trong những chuyến thăm tới đây. Các bài đăng trên MXH của bà này sau đó đã bị gỡ bỏ.
Đầu tháng này, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ các sản phẩm của Coca-Cola và Nestle khỏi các nhà hàng của mình do sự phản đối kịch liệt của công chúng đối với các thương hiệu này, theo một nguồn tin của Reuters từ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc xung đột Israel - Hamas khiến chiến lược mở rộng hoạt động tại thị trường đông dân đầy tiềm năng này của các doanh nghiệp phương Tây gặp trở ngại nặng nề.
Cũng giống như châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông cũng đang chứng kiến một tầng lớp trung lưu tăng nhanh, dân số trẻ và ưa chuộng một thói quen tiêu dùng mới. Đặc biệt, các thị trường giàu có nhất lại thường là các quốc gia gần gũi hơn với phương Tây như Saudi Arabia hay UAE, một yếu tố vô cùng thuận tiện cho các sản phẩm của Mỹ hay châu Âu đi đến tay người dùng.
GDP bình quân đầu người của 6 nước vùng Vịnh dao động từ 23.000 USD đến 84.000 USD. Trong đó, Qatar có tài sản bình quân đầu người cao nhất thế giới Ả Rập – trung bình 183.100 USD mỗi cá nhân. Khả năng và sự sẵn sàng chi tiêu cao đã khiến thị trường Trung Đông trở nên cực kỳ hấp dẫn với các nhãn hàng phương Tây.
Trước khi xung đột Israel - Hamas xảy ra, các nền kinh tế hàng đầu khu vực cũng đã đề ra nhiều chiến lược phát triển khác nhau nhằm mở rộng hơn các trụ cột kinh tế thay vì phụ thuộc dầu mỏ. Hàng loạt sáng kiến thương mại điện tử, kinh tế số đã được đưa ra thu hút nhiều ông lớn quốc tế vào thị trường này.
>>Xung đột Israel – Hamas sẽ thay đổi thế giới như thế nào?
Năm 2022, kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Đông đạt tổng trị giá 212 tỉ USD, với cán cân thương mại cân bằng. Vậy nhưng, với tâm lý bài Mỹ gia tăng tại các thị trường Ả Rập từ khi xảy ra xung đột Israel - Hamas, các doanh nghiệp Mỹ có lý do phải lo lắng cho hoạt động kinh doanh của họ tại khu vực này.
Có thể bạn quan tâm
“Bong bóng” đô la Mỹ có thể vỡ bởi xung đột tại Trung Đông
05:20, 29/10/2023
Mỹ có nguy cơ bị kéo trở lại xung đột Trung Đông
03:30, 28/10/2023
Trung Quốc ngày càng "lấn sâu" vào Trung Đông
03:30, 25/10/2023
Xung đột Israel – Hamas sẽ lan rộng ra toàn khu vực?
03:20, 20/11/2023
Đây là lý do đảng Cộng hòa muốn viện trợ Israel, thay vì Ukraine
04:30, 19/11/2023