Thỏa thuận ngừng bắn lần đầu tiên giữa Israel và Hamas là tia sáng hiếm hoi trong cuộc xung đột Israel - Hamas ngày càng đẫm máu, nhưng triển vọng hòa bình dường như vẫn còn xa vời.
Sự kiện Israel và Hamas đạt được thỏa thuận tạm dừng giao tranh hôm 22/11 đem lại nhiều tín hiệu tươi sáng cho cuộc xung đột đẫm máu này. Việc đồng ý tạm ngừng bắn trong 4 ngày sẽ cho phép Hamas thả 50 con tin bị giữ ở Gaza để đổi lấy 150 người Palestine bị cầm tù ở Israel và đưa viện trợ nhân đạo vào vùng đất bị bao vây.
>>Xung đột Israel - Hamas vẫn nóng, giá dầu giảm mạnh vì đâu?
Tuyên bố được đưa ra sau nhiều giờ thảo luận kín cho biết: “Chính phủ Israel cam kết đưa tất cả các con tin về nhà. Họ đã phê duyệt thỏa thuận được đề xuất như giai đoạn đầu tiên để đạt được mục tiêu này”.
Hamas cho biết 50 con tin sẽ được thả để đổi lấy 150 phụ nữ và trẻ em Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Trong một tuyên bố, nhóm Palestine cho biết thỏa thuận ngừng bắn cũng sẽ cho phép hàng trăm xe tải viện trợ nhân đạo, y tế và nhiên liệu của quốc tế vào Gaza.
Israel đã cam kết không tấn công hoặc bắt giữ bất cứ ai ở tất cả các khu vực của Gaza trong thời gian ngừng bắn.
Tuyên bố cho biết, trong thời gian ngừng bắn kéo dài 4 ngày, giao thông hàng không sẽ dừng hoàn toàn ở miền nam Gaza và sẽ tạm dừng trong 6 giờ mỗi ngày, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (giờ địa phương), ở phía Bắc Gaza.
Theo chính quyền Gaza, thỏa thuận này là thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên trong một cuộc chiến, trong đó các cuộc ném bom của Israel đã san phẳng các khu vực Gaza do Hamas cai trị, giết chết hơn 11.000 thường dân tại khu vực và khiến khoảng 2/3 trong số 2,3 triệu người ở đây mất nhà cửa.
Dù là tín hiệu vui, nhưng thỏa thuận ngừng bắn này vẫn khó có thể khiến các nhà quan sát lạc quan hơn về khả năng kết thúc các cuộc tấn công lẫn nhau.
Hôm 20/11, trong cuộc họp với chính phủ của mình, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết “sứ mệnh rộng lớn hơn” của Israel không thay đổi. "Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình. Tiêu diệt Hamas, trả lại tất cả con tin và đảm bảo rằng không thực thể nào ở Gaza có thể đe dọa Israel", ông nói trong một thông điệp được ghi âm khi bắt đầu cuộc họp chính phủ.
Về phía Hamas cũng khẳng định điều tương tự trong tuyên bố của mình: "Khi chúng tôi tuyên bố ký kết một thỏa thuận ngừng bắn, chúng tôi khẳng định rằng các ngón tay của mình vẫn ở trên cò súng và các chiến binh chiến thắng của chúng tôi sẽ luôn cảnh giác để bảo vệ người dân và đánh bại sự chiếm đóng”.
Truyền thông Israel cho biết vụ thả con tin đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào thứ 5 tuần này. Các báo cáo cho biết việc thực hiện thỏa thuận phải chờ 24 giờ để công dân Israel có cơ hội yêu cầu Tòa án Tối cao ngăn chặn việc thả tù nhân Palestine.
Trong khi thỏa thuận thả con tin đang được thảo luận, giao tranh trên thực địa vẫn tiếp tục diễn ra. Ông Mounir Al-Barsh, người đứng đầu Bộ Y tế Gaza, nói với đài Al Jazeera rằng quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán Bệnh viện Indonesia ở Thành phố Gaza với lý do rằng các chiến binh Hamas đang hoạt động từ cơ sở này.
Các bệnh viện, trong đó có bệnh viện Al Shifa lớn nhất Gaza, gần như không thể hoạt động do xung đột và thiếu hụt nguồn cung cấp thiết yếu. Israel tuyên bố rằng Hamas che giấu các vị trí chỉ huy quân sự và các chiến binh trong các bệnh viện, trong khi Hamas và các nhân viên bệnh viện phủ nhận.
Mới ngày 20/11, Israel đã bao vây trại tị nạn Jabalia, một khu đô thị mở rộng đông đúc của Thành phố Gaza, nơi Hamas đang chiến đấu với lực lượng thiết giáp Israel đang tiến công. Hãng thông tấn Palestine WAFA cho biết 33 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong cuộc không kích của Israel vào một phần Jabalia.
Việc thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên trở thành hiện thực cũng được coi là một thành công của Mỹ. Theo đó, các quan chức Hoa Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận này, cùng với vai trò của Qatar. Một quan chức Mỹ tiết lộ với Politico: “Chúng tôi là người gần gũi nhất từ trước đến nay”.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ mạnh mẽ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn dài hạn, cho rằng nó sẽ cung cấp thời gian để lực lượng Hamas phục hồi. Tuần trước, Israel đã đồng ý tạm dừng giao tranh trong thời gian ngắn - kéo dài bốn giờ - để cho phép viện trợ nhân đạo đi vào vùng đất này.
Thế nhưng mối lo ngại về 239 con tin đang bị giam giữ ở Gaza, cũng như về tình hình nhân đạo tồi tệ và số dân thường thiệt mạng gia tăng ở vùng đất này, đã khiến Mỹ phải gia tăng áp lực phải hành động.
>>Xung đột Israel – Hamas sẽ thay đổi thế giới như thế nào?
Tổng thống Joe Biden cũng bị sức ép từ Đảng Dân chủ liên quan tới cung cấp viện trợ quân sự cho Israel, trong đó một số nhà lập pháp kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn khi con số thiệt mạng ngày càng tăng. Cơ quan y tế do Hamas lãnh đạo ở Gaza báo cáo hơn 11.000 người đã thiệt mạng kể từ khi Israel tiến hành trả đũa đối với cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas.
Có thể bạn quan tâm
Đây là lý do đảng Cộng hòa muốn viện trợ Israel, thay vì Ukraine
04:30, 19/11/2023
Xung đột Israel – Hamas sẽ lan rộng ra toàn khu vực?
03:20, 20/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Thử thách tham vọng ngoại giao của Trung Quốc
03:30, 08/11/2023
Xung đột Israel – Hamas: Hé lộ "bế tắc" của Liên Hợp Quốc
03:00, 07/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Những hậu quả khó lường với Mỹ
03:30, 03/11/2023