Khó khăn trong việc đưa ra những nghị quyết nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đã nêu bật lên sự chia rẽ của Liên Hợp Quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Gần 1 tháng kể từ khi xung đột
Israel-Hamas nổ ra, các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc dường như tập trung hơn vào việc thể hiện các lợi ích chính trị hơn là tạo ra bất kỳ tác động nào trên thực địa. Sự chia rẽ đó thể hiện rõ nhất ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – nơi bị chi phối bởi các cường quốc nhiều lợi ích khắp toàn cầu.
>>Xung đột Israel - Hamas: Những hậu quả khó lường với Mỹ
Ông Richard Gowan, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên Hợp Quốc cho biết: “Trong những tình huống như chiến sự Nga- Ukraine hay xung đột Israel - Hamas, các cường quốc không thể tìm ra cách để đạt được thỏa thuận. Đây có vẻ như là một sân khấu để phát biểu và làm điệu bộ”.
Sự bế tắc về giải pháp cho khủng hoảng dường như ngày càng nghiêm trọng hơn. Cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào tháng 2 năm nay liên quan tới chiến sự Nga - Ukraine đã bắt đầu phức tạp hơn. Dù phần lớn thế giới ủng hộ Ukraine, nhưng một số nước lớn đã bỏ phiếu trắng và một số ít đứng về phía Nga.
Trong cuộc xung đột Israel - Hamas, rạn nứt thực sự đã lộ rõ tại Liên Hợp Quốc, thậm chí ngay cả trong khối đồng minh. Một số nước NATO khác ủng hộ một nghị quyết mà Israel và Mỹ kịch liệt phản đối. Trong khi đó, các đồng minh và đối tác quan trọng khác như Ấn Độ, Italy và Ukraine đã bỏ phiếu trắng.
Theo ông Gowan, chưa có một dự thảo nghị quyết nào đủ thỏa mãn các bên. Dự thảo ban đầu do Jordan thay mặt nhóm các nước Ả Rập tại Liên Hợp Quốc đề xuất kêu gọi ngừng bắn ở Gaza nhưng không đề cập đến cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, bắt cóc hơn 200 người Israel và giết chết 1.400 người khác.
Tiếp theo, Canada đã đề xuất sửa đổi nghị quyết vào tuần trước, trong đó bao gồm các từ ngữ lên án “các cuộc tấn công khủng bố của Hamas” và “bắt giữ con tin”, đồng thời yêu cầu “sự an toàn, phúc lợi và đối xử nhân đạo với các con tin”. Thế nhưng, đề xuất đó chỉ nhận được 88 phiếu tán thành và 55 phiếu chống, cùng với 23 phiếu trắng, khiến đề xuất này không đạt được 2/3 số phiếu cần thiết để Đại hội đồng LHQ thông qua về các vấn đề an ninh.
Cuối cùng, nhóm Ả Rập đã thêm vào dự thảo lên án “các hành động khủng bố và tấn công bừa bãi” mà không đề cập đích danh Hamas. Phiên bản cuối cùng cũng mở rộng ngôn ngữ gốc về lệnh ngừng bắn ngay lập tức với lời kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững để dẫn đến chấm dứt chiến sự”.
>>Xung đột Israel - Hamas: Lebanon bất ngờ tung kế hoạch hòa bình
Những chỉnh sửa đó có thể đã giúp đẩy nghị quyết vượt quá ngưỡng 2/3 (không tính số phiếu trắng) để đảm bảo được thông qua. Cuộc kiểm phiếu cuối cùng là 121 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 44 phiếu trắng.
Việc khó đưa ra một nghị quyết liên quan tới xung đột Israel - Hamas nêu bật lên sự hỗn loạn của Liên Hợp Quốc trong xử lý các vấn đề quốc tế ngày càng đan xen và ràng buộc về lợi ích. Sự chia rẽ sâu sắc này đã ngăn cản LHQ thông qua một nghị quyết nhân đạo cho Gaza, nơi hàng nghìn trẻ em và người vô tội hứng chịu các thảm họa nhân đạo.
Hai dự thảo Nghị quyết của Nga thiếu 9 phiếu cần thiết để được thông qua. Các phiên bản do Brazil và Mỹ trình bày đều nhận được đủ sự ủng hộ để thông qua nhưng đều bị phủ quyết. Mỹ phủ quyết dự thảo của Brazil, trong khi Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo của Mỹ.
10 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ được bầu hiện đang chuẩn bị một phiên bản mới của nghị quyết nhân đạo mà họ hi vọng sẽ bao gồm đủ ngôn từ thỏa hiệp để tránh sự phủ quyết của bất kỳ thành viên nào trong số 5 thành viên thường trực. Đại sứ Malta tại Liên Hợp quốc, Vanessa Frazier, một trong những thành viên hội đồng được bầu, nói rằng họ vẫn dốc sức để “giải quyết một cách khẩn cấp và thực sự cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza”.
Khi vấn đề tưởng chừng đơn giản đã trở nên phức tạp, ít nhà quan sát nào kỳ vọng Liên Hợp Quốc có thể đứng ra giải quyết xung đột trên thực địa trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới trở nên đa cực hơn với các cường quốc kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình.
Viễn cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải tái tổ chức các cuộc bỏ phiếu hoặc cơ chế bỏ phiếu phù hợp hơn bối cảnh hòa bình và an ninh toàn cầu. Nhưng những thay đổi như vậy lại gần như bất khả thi khi cần sự đồng ý của các thành viên quyền lực của Hội đồng Bảo an LHQ, khiến cho vai trò của Liên Hợp Quốc trở nên mờ nhạt hơn trong giải quyết các xung đột.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Israel - Hamas: Kịch bản “ớn lạnh” về giá dầu thế giới
04:00, 06/11/2023
Vì sao Saudi Arabia "đứng ngoài" xung đột Israel – Hamas?
04:00, 29/10/2023
Ai Cập- "nhân tố mới" trong giải quyết xung đột Israel - Hamas
04:00, 27/10/2023
Iran đang bị kéo vào cuộc xung đột Israel - Hamas?
03:00, 29/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Bế tắc giải pháp hòa bình
04:30, 28/10/2023