COP28: "Nóng" vấn đề xung đột Israel – Hamas

TRƯỜNG ĐẶNG 04/12/2023 03:00

Dù là một sự kiện ngoại giao về khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhưng COP28 vẫn bị phủ bóng bởi những hiềm khích của các bên trong xung đột Israel - Hamas.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 dường như đang bị

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 dường như đang bị "phủ bóng" bởi các xung đột trên thế giới

>>Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?

Theo một bài đăng trên tài khoản X của Tổng thống Israel, Isaac Herzog, ông này đã dành phần lớn thời gian buổi sáng trong các cuộc họp COP28 để nói với các nhà lãnh đạo đồng cấp về việc Hamas đã vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn. Cuối cùng, ông đã bỏ qua bài phát biểu dự định sẽ đọc trước các nhà lãnh đạo thế giới vào thứ Sáu tuần qua.

Còn có những sự vắng mặt đáng chú ý khác. Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, cũng không có mặt dù được sắp xếp là người phát biểu sớm ở COP28. Hay ông Mahmoud Abbas, nhà lãnh đạo Chính quyền Palestine, cũng rời khỏi danh sách diễn giả cuối cùng sau khi được lên lịch phát biểu.

Theo Politico, ngay sau khi các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Dubai vào thứ Sáu tuần trước, phái đoàn Iran tuyên bố rời hội nghị. Lý do được Bộ trưởng Năng lượng Iran nói với hãng thông tấn chính thức của đất nước, là bởi “sự hiện diện chính trị, thiên vị và không liên quan" của Israel.

Nơi mục tiêu lớn bị xao nhãng

Cũng bởi vậy, những cam kết về nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất tại diễn đàn này đã trở nên “nguội lạnh” đi ít nhiều. Tổ chức Khí tượng Thế giới tuần trước đã xác nhận năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận.

So với cuộc họp năm 2022 cũng bị phân tán bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, sự chia rẽ xung quanh vấn đề Israel và Palestine dường như càng làm rạn nứt thêm sự đoàn kêt của thế giới vì các mục tiêu chung. Theo các nhà quan sát, ít nhất cuộc gặp thượng đỉnh ở Ai Cập vào năm ngoái vẫn chứng kiến các nhà lãnh đạo duy trì các bài phát biểu theo lịch trình và tỏ ra tập trung vào vấn đề chính – chống biến đổi khí hậu.

“Rõ ràng những xung đột địa chính trị đang ảnh hưởng tới không khí tại COP”, một nhà ngoại giao Đức giấu tên nhận xét với Politico. Dù vậy, ông này tin rằng điều đó không làm các mục tiêu về biến đổi khí hậu bị mất tập trung.

Tại nghị trình năm này, đã có nhiều quốc gia tận dụng sự có mặt của các nhà lãnh đạo hàng đầu để thúc đẩy vấn đề xung đột tại Trung Đông.

Tại lễ khai mạc hôm 30/11, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry – chủ nhà COP27 năm ngoái - đã yêu cầu tất cả các đại biểu đứng im lặng để tưởng nhớ hai nhà đàm phán về khí hậu vừa qua đời, “cũng như tất cả thường dân đã thiệt mạng trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh bởi xung đột hiện tại ở Gaza”.

Quốc vương Jordan - Abdullah II, Tổng thống Iraq - Abdul Latif Rashid, Tổng thống Nam Phi - Cyril Ramaphosa và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdoğan cũng nằm trong số những nhà lãnh đạo sử dụng bài phát biểu COP28 của họ để thu hút sự chú ý đến xung đột Israel - Hamas.

Các sự kiện bên lề - nơi họp bàn về chiến tranh

Trong các hội nghị bên lề, ngoài các hợp tác về khí hậu, chủ đề chiến tranh dường như cũng thu hút nhiều nhà ngoại giao. Theo một bài đăng trên tài khoản X của Herzog, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thảo luận với ông hôm 30/11. Israel dường như chỉ là một bên trong số các đối tác mà quan chức Mỹ muốn gặp mặt nhân sự kiện COP28.

>>Lệnh ngừng bắn ở Gaza giúp thay đổi chiến lược của Israel?

“Ngoài việc tham gia COP, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ các đối tác Ả Rập để thảo luận về cuộc xung đột ở Gaza,” Blinken cũng nói với các phóng viên trước khi sang UAE.

Politico cho biết một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tiết lộ rằng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sẽ “thảo luận về xung đột giữa Israel và Hamas” trong chuyến đi tới Dubai.

Quan điểm khác nhau về xung đột ở Trung Đông khiến các nước xao nhãng các mục tiêu về biến đổi khí hậu

Quan điểm khác nhau về xung đột ở Trung Đông khiến các nước xao nhãng các mục tiêu về biến đổi khí hậu

Ông Herzog cho biết rằng ông đã gặp hàng chục nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh lần này, mà theo những bức ảnh mà ông đăng trên X, đó là Vua Charles III của Anh, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak không giấu giếm sự thật rằng ông dự định sử dụng chuyến thăm ngắn ngủi của mình tới Dubai để nói về an ninh khu vực. “Tôi sẽ nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo… không chỉ về biến đổi khí hậu, mà còn cả tình hình ở Trung Đông,” ông nói trong chuyến bay vào tối thứ Năm tuần trước.

Người phát ngôn của ông Sunak tuyên bố: “Với những sự kiện ở Israel và Gaza, Thủ tướng đã dành phần lớn các cuộc gặp song phương để thảo luận về tình hình đó. Theo đó, các cuộc họp tập trung vào cách hỗ trợ thường dân vô tội ở Gaza, giảm căng thẳng, đưa thêm con tin ra ngoài và viện trợ nhiều hơn”.

Những lãnh đạo ủng hộ cho người Palestine, như nhà lãnh đạo Ireland Leo Varadkar, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, được cho cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán bên lề COP vào sáng thứ Sáu tuần trước. Trước đó, Israel đã rút đại sứ của mình tại Tây Ban Nha nhằm phản ứng với nhận xét của ông Sánchez về tình hình ở Trung Đông.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Á dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP28

    Châu Á dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP28

    04:00, 02/12/2023

  • COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền

    COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền

    04:30, 30/11/2023

  • COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí

    COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí

    04:00, 26/11/2023

  • COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?

    COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?

    03:00, 26/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COP28: "Nóng" vấn đề xung đột Israel – Hamas
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO