Việc áp dụng quy trình đánh giá xếp hạng thực hiện ESG để xem xét về mức độ rủi ro của mỗi doanh nghiệp sẽ giúp tăng lợi thế cạnh tranh của ngân hàng.
Phát triển bền vững không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia trên toàn cầu. Với các cam kết mạnh mẽ tại COP26 và tiếp tục được cụ thể hóa tại COP28, Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí methane, bảo vệ rừng và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu theo Hiệp định Paris.
Phát triển bền vững đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của các định chế tài chính và là yêu cầu quan trọng trong các quyết định đầu tư từ các tổ chức quốc tế.
Tại Việt Nam, Chính phủ, các bộ ngành và NHNN đã và đang dần hoàn thiện văn bản pháp luật góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quản trị rủi ro môi trường như: Luật số 72/2020/QH14 về Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có hệ thống khuôn khổ pháp luật quản lý về xã hội, quản trị như vấn đề lao động và điều kiện làm việc; vấn đề giới trong việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế bền vững; vấn đề sức khỏe và an toàn của cộng đồng; an toàn sức khỏe nghề nghiệp; bảo vệ lực lượng lao động; chính sách và quy trình quản lý nguồn nhân lực, công bố thông tin; đạo đức kinh doanh; kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro; phòng, chống hối lộ và tham nhũng như: Bộ Luật lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Cạnh tranh, Luật Các tổ chức tín dụng và nhiều văn bản pháp luật có liên quan khác.
Dù rằng chưa đầy đủ và đồng bộ, nhưng nhìn chung, hành lang pháp lý để triển khai ESG tại Việt Nam nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng đang từng bước được hoàn thiện.
Hiện nay, các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế độc lập đã thực hiện đánh giá, xếp hạng về việc thực hiện ESG để xem xét về mức độ rủi ro của mỗi doanh nghiệp, ngân hàng thương mại trong hoạt động kinh doanh. Những nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ và những bên quan tâm khác thường tham khảo những báo cáo đánh giá độc lập này để so sánh các công ty, đánh giá rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư. Do đó, áp dụng quy trình quản lý ESG góp phần nâng cao danh tiếng, định vị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh của ngân hàng.