Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hành ESG, tham gia sâu vào chuỗi giá trị bền vững và nâng tầm vị thế sản phẩm Việt trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Lễ trao giải “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 và Giới thiệu các công cụ hỗ trợ thực hành Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) trong doanh nghiệp” do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với những cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hơn 3 thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một trong các động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
“Tinh thần kinh doanh được nâng cao, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, không ít doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và có thương hiệu vươn tầm quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam”, Thứ trưởngTrần Quốc Phương nói.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 29 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước khi tới nay, quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP 35 thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 thế giới.
Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40-45% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức chủ quan và khách quan. Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai hết sức phức tạp, tác động ngày càng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Điển hình như cơn bão số 3 YAGI vừa qua đã gây thiệt hại về kinh tế của Việt Nam ước tính sơ bộ lên đến hơn 81.000 tỉ đồng, tương đương gần 3,3 tỉ USD.
Cùng với đó, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang ngày càng gia tăng; các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế cacbon, công cụ kiểm chứng carbon… đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới.
“Do đó, phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu, đây không chỉ là sự tự nguyện mà còn là trách nhiệm tuân thủ. Thực tiễn này đặt ra thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá, thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Tiêu biểu như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình đã được triển khai tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Gần 3.400 doanh nghiệp được đào tạo nâng cao nhận thức về kinh doanh bền vững và ESG, khoảng 400 doanh nghiệp được đào tạo chuyên sâu về thực hành ESG.
Các bộ công cụ đánh giá mức độ thực hành kinh doanh bền vững, ESG được xây dựng, đăng tải rộng rãi online và hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp với hàng chục nghìn lượt truy cập sử dụng.
“Đạt được các kết quả đáng khích lệ như vậy là có sự đóng góp, hỗ trợ kỹ thuật rất quan trọng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC)”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ.
Bà Arler Grubbs, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho biết, sáng kiến ESG Việt Nam 2024 khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp”, bà Arler Grubbs khẳng định.
Chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” chính thức vinh danh ba doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Ecoka; Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Sài Gòn Secoin; Công ty Cổ phần Shinec. Đây là 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc.
Ngoài ra, năm nay Chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” dành giải Triển vọng cho Công ty TNHH EMIC HOSPITALITY cho những nỗ lực của EMIC trong hoạt động du lịch xanh và bền vững.