Doanh nghiệp

Chu kỳ tăng trưởng mới của doanh nghiệp từ ESG

Hạnh Lê 02/09/2024 03:42

Những doanh nghiệp đầu tư thực hành ESG trong sản xuất kinh doanh đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, ổn định và bền vững hơn.

Điều kiện cho tăng trưởng

Theo tính toán, việc sản xuất 1kg vải sẽ thải ra môi trường 23kg khí nhà kính nên dệt may là một trong những ngành chịu áp lực mạnh mẽ trong chuyển đổi xanh. Chưa kể, áp lực lớn khác đến từ đối tác xuất khẩu, dệt may buộc phải xanh hoá sản xuất nếu không muốn tiếp tục bị mất đơn hàng.

Từ năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực bắt nhịp với xu hướng trên với nhiều cách thức chuyển đổi phù hợp như sử dụng năng lượng tái tạo; đầu tư xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn khắt khe theo Chứng nhận Công trình xanh; tìm kiếm dòng nguyên liệu thân thiện môi trường và có khả năng tái chế… nhằm giảm tác động tiêu cực, không vượt quá giới hạn bền vững hoặc sức tải của tự nhiên.

esg2.jpeg
Từng bước thực hiện lộ trình thực hành ESG, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực bắt nhịp xu hướng chuyển đổi xanh (ảnh minh hoạ)

Với cam kết thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận về “trái ngọt” - đơn hàng của đối tác đã được dịch chuyển về các nhà máy, đảm bảo ổn định sản xuất từ đầu năm, góp phần vào giá trị xuất khẩu của ngành trong 7 tháng đầu năm 2024 là 20,27 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lộ trình thực hành ESG cho tăng trưởng xanh và bền vững đang được các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giao thông, năng lượng… đẩy mạnh thực hiện. Tại diễn đàn về ESG mới đây, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: trước sự phát triển bùng nổ về ESG trong kinh tế toàn cầu, ai quan tâm đến ESG người đó sẽ thắng. Đưa ESG vào hoạt động của doanh nghiệp mang lại các giá trị dài hạn thông qua việc cải thiện hiệu quả, tiếp cận thị trường quốc tế và nguồn vốn tốt hơn.

Với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều động lực để chuyển sang mô hình kinh doanh bền vững bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nền kinh tế tăng trưởng dương, hướng đến xuất khẩu và sử dụng nhiều nguồn lực thiên nhiên.

Sức ép thực hành ESG không chỉ đến từ các đối tác xuất khẩu mà còn từ các cổ đông, nhà đầu tư chiến lược. Ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư ngày nay phải thiết lập dự báo và ước tính giá trị hợp lý. Trong bối cảnh này, mọi thứ đều bình đẳng và một doanh nghiệp duy trì các tiêu chuẩn, hành động ESG cao hơn sẽ được nhìn nhận tích cực hơn.

Nhận định trên được xuất phát từ việc doanh nghiệp xuất sắc trong tiêu chuẩn ESG thường dễ dàng thu hút đầu tư hơn và phát triển hơn, từ đó, giá trị của doanh nghiệp cao hơn. Đặc biệt, các nhà đầu tư có niềm tin rằng các doanh nghiệp thực hành ESG mạnh mẽ sẽ được quản lý tốt hơn, nhạy bén hơn với các rủi ro và cơ hội tiềm năng.

Thông qua quản lý rủi ro nâng cao, doanh nghiệp có thể tăng cường đáng kể lợi nhuận và tạo ra dòng tiền ổn định, dự đoán được. Việc giảm rủi ro chuyển thành tỷ lệ chiết khấu thấp hơn trên dòng tiền tương lai, dẫn đến giá trị hợp lý cao hơn cho công ty. Nói cách khác, thị trường đánh giá cao các công ty thực hành ESG vì chúng được coi là các khoản đầu tư an toàn hơn với tương lai bền vững.

"Hiểu mình" để thực hành ESG

Nhận thức được tầm quan trọng của ESG, những năm gần đây doanh nghiệp đã cởi mở hơn trong việc tiếp nhận ESG. Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 do PwC thực hiện, khoảng 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó có từ 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân/doanh nghiệp gia đình đưa ra cam kết ESG hoặc đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 - 4 năm tới.

esg1.jpeg
Các hoạt động thực hành ESG được chú trọng trong chiến lược sản xuất kinh doanh của tập đoàn PAN.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) nhấn mạnh đến sự chủ động của doanh nghiệp trong thực hành ESG. Theo đó, cần hiểu bản chất triển khai ESG là theo lộ trình. Các đơn vị thẩm định ESG cũng đánh giá theo lộ trình 5 năm, 10 năm, chứ không yêu cầu doanh nghiệp phải triển khai ngay.

Trong giai đoạn đầu tiên doanh nghiệp có thể triển khai ESG ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung; tiếp theo có thể triển khai là các vấn đề tài chính, nhà máy. Với lộ trình thực hiện như vậy, việc triển khai không phải quá khó nên doanh nghiệp cũng không cần quá lo lắng. Quan trọng là trong lộ trình thực hiện, doanh nghiệp cần xác định thứ tự ưu tiên theo từng giai đoạn.

Cụ thể hơn, PwC Việt Nam đã đưa ra 4 lộ trình để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu ESG.

Thứ nhất, với nhóm khởi đầu, có thể bắt đầu bằng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các quy định ESG đến doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu quản trị và xác định các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng cũng như thiết lập lộ trình báo cáo về các vấn đề ESG.

Thứ hai, với nhóm thực thi, các doanh nghiệp cần có nhân sự phát triển bền vững để xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu ESG, thường xuyên trao đổi, báo cáo với Hội đồng Quản trị về tiến độ và hiểu rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp trong báo cáo ESG.

Thứ ba, với nhóm chiến lược nên có phòng/ban ESG và thực hiện truyền thông thể hiện cam kết của doanh nghiệp.

Cuối cùng, ở nhóm dẫn đầu, doanh nghiệp theo dõi những điểm nhạy cảm trong hệ sinh thái ESG, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, khung quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chu kỳ tăng trưởng mới của doanh nghiệp từ ESG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO