VCCI

Kinh doanh có trách nhiệm tạo nên doanh nhân tử tế

Đức Hạnh 30/04/2025 05:16

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI.

Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025 do Trung tâm Văn hoá doanh nhân (VCCI) và Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức.

mk_05745.jpg
Diễn đàn Văn hóa doanh nhân năm 2025 với chủ đề: “Kinh doanh có trách nhiệm” do VCCI tổ chức.

Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025 là sự kiện ý nghiã tiếp nối các hoạt động vận động, nâng cao hiệu quả thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại các doanh nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Yêu cầu của tăng trưởng bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết: đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hoá kinh doanh và bản sắc văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp chưa được quan tâm tương xứng.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đến năm 2045, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, yêu cầu bắt buộc đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh ngang tầm thế giới. Doanh nhân Việt Nam phải có chung một hệ giá trị tư tưởng, triết lý kinh doanh, có bản sắc và những giá trị văn hoá kinh doanh đem lại sức mạnh mềm và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Kinh doanh có trách nhiệm là một nội hàm quan trọng của văn hoá kinh doanh; đã và đang được các doanh nghiệp Việt Nam coi là chìa khoá để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp và quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, thực hành ESG là một phương thức cụ thể để doanh nghiệp thể hiện triết lý kinh doanh có trách nhiệm.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy về lâu dài, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của doanh nghiệp phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, bao hàm các vấn đề về kinh tế, xã hội và trách nhiệm. Do vậy, doanh nghiệp đã quan tâm đến lợi ích của xã hội và bảo vệ môi trường nhiều hơn là những yêu cầu theo quy định của pháp luật như giải quyết vấn đề lao động việc làm, các vấn đề môi trường, đấu tranh chống nạn hối lộ, tham nhũng, tham gia và phát triển cộng đồng.

Với ý nghĩa đó, các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm không chỉ đóng góp vào kết quả kinh tế mà góp phần quan trọng xây dựng môi trường sống bền vững và quản trị tốt thông qua chuỗi cung ứng.

Trách nhiệm tạo nên doanh nhân tử tế

Nhìn từ Viettel - nơi mình đã có cơ hội làm việc, ông Phạm Hồng Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân Nam Định - Hà Nội chia sẻ: thương hiệu này tham gia thị trường viễn thông khi giá cước nội mạng rất cao và đã nỗ lực phá vỡ thế độc quyền, giảm mạnh giá cước và phủ sóng dịch vụ đến vùng sâu vùng xa ít mang lại lợi nhuận/suất đầu tư nhất.

Không chọn con đường dễ mà chọn con đường có trách nhiệm với người dân, nhất là người yếu thế và Viettel đã xây dựng thương hiệu “tử tế và dẫn đầu vươn tầm quốc tế” - đặt lợi ích xã hội lên trước lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Đề cập đến những sự vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng vừa bị phát hiện thời gian gần đây, ông Phạm Hồng Thanh cho rằng đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh và phân phối bởi kinh doanh không có trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận là con đường ngắn nhất để đánh mất mình, mất khách hàng, mất tương lai và chịu sự trừng phạt của pháp luật.

“Kinh doanh có trách nhiệm không phải là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết, là gốc rễ tạo sự trường tồn và tự hào. Mỗi doanh nhân tử tế là hạt giống tốt được gieo trồng bằng trách nhiệm thì quả ngọt không chỉ dành cho một người mà dành cho cả cộng đồng” - ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Nam Định - Hà Nội chia sẻ thêm.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và phát triển. Trong đó cạnh tranh kinh tế không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn ở giá trị nhân văn, uy tín và trách nhiệm xã hội. Kinh doanh có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng xã hội, với môi trường và tuân thủ pháp luật đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Với yêu cầu đó, kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ pháp lý mà còn là yếu tố, giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài trong niềm tin của xã hội.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh có trách nhiệm, trong thời gian tới, ông Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ doanh nhân, luôn coi đạo đức là “thương hiệu” cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.

Bên cạnh đó, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục lan tỏa 6 Quy tắc đạo đức Doanh nhân Việt Nam, kết nối văn hóa doanh nghiệp với hệ giá trị văn hóa quốc gia. Đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh doanh có trách nhiệm tạo nên doanh nhân tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO