Doanh nghiệp

Thực hành ESG đón đầu kỷ nguyên phát triển mới

Hạnh Lê 29/03/2025 06:06

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới tiếp tục đẩy mạnh thực hành ESG, giảm phát thải khí nhà kính để mở rộng cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Nhận định về bối cảnh kinh tế toàn cầu, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết: nhìn vào sự phát triển rất nhanh của thế giới trong thời gian gần đây có thể nhận thấy 4 xu hướng được thể hiện rõ nét. Đó là, các Chính phủ và tập đoàn tư nhân đầu tư vào công nghệ chip thế hệ mới và AI với nguồn lực chưa từng có; cải cách bộ máy hành chính; thương mại công bằng và chuyển đổi xanh.

dien mat troi
Sử dụng điện mặt trời, các cơ sở sản xuất vừa giảm chi phí tiêu thụ điện năng vừa đáp ứng yêu cầu xanh hoá của đối tác

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, đưa quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới ra khỏi nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Tuy vậy, châu Âu nói chung, ngay cả trong lòng nước Mỹ, nhiều doanh nghiệp vẫn theo xu hướng chuyển đổi xanh, thực hành và thực hiện báo cáo ESG, phát thải khí nhà kính vì thương hiệu và nhằm thuyết phục người mua, chiếm lĩnh thị trường.

Kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới dựa trên nền tảng công nghiệp số, công nghệ AI và kinh tế xanh. Ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá, những xu hướng lớn trên có thể tạo bước nhảy vọt về kinh tế và thương mại toàn cầu trong tương lai.

Tác động từ kinh tế thế giới, nhất là từ áp lực của khách hàng, nhân viên; yêu cầu của các thị trường trong việc gia tăng quy định pháp lý liên quan đến thực hành bền vững… đã khiến doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nhận thức, tư duy và hành động thực hành ESG. Đặc biệt, với 90% các nhà đầu tư trên toàn cầu đưa tiêu chí ESG vào quy trình ra quyết định, các chuyên gia từ công ty tư vấn YE Việt Nam cho rằng, chỉ số ESG có mối liên hệ với hiệu quả tài chính và khả năng cạnh tranh dài hạn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn.

Khảo sát được Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) thực hiện về mức độ thực hành kinh doanh bền vững theo khung ESG của Việt Nam cho thấy, ngoài các doanh nghiệp lớn, có 26-30% doanh nghiệp ở các quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ bước đầu đã có hoạt động triển khai ESG.

Báo cáo Phát triển bền vững thường niên do Schneider Electric thực hiện và công bố mới đây cũng cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến phát triển bền vững. Có đến 96% doanh nghiệp bắt đầu quen thuộc với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

san xuat xanh
Ngoài các doanh nghiệp lớn, ngày càng nhiều doanh nghiệp ở các quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ bước đầu đã có hoạt động triển khai ESG

Tuy nhiên, để tiến xa hơn, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đang thực hiện tốt nhất ở trụ cột xã hội, tiếp theo là quản trị và môi trường.

Các báo cáo khảo sát khác về mức độ thực hành ESG hay phát triển bền vững trong doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến 3 khó khăn, thách thức là rào cản của doanh nghiệp. Đó là, không có hoặc thiếu thông tin về ESG; thiếu các chương trình giới thiệu và đào tạo ESG; chưa có chính sách cụ thể từ Chính phủ về ESG. Ngoài ra, một số khó khăn khác liên quan đến thiếu nguồn lực, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể…

Vì vậy, để đón đầu cho tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất định khó dự đoán, các chuyên gia nhấn mạnh cần thiết thúc đẩy thực hành ESG, phát triển bền vững trong doanh nghiệp. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, rào cản; xây dựng công cụ, kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” doanh nghiệp thực hành ESG; chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình thành công…

Đối với doanh nghiệp, các chuyên gia từ công ty tư vấn YE Việt Nam khuyến nghị, để thực hiện hiệu quả các sáng kiến cải thiện năng lực (hay kế hoạch hành động ESG), quan trọng nhất cần đảm bảo có sự tham gia, định hướng từ cấp điều hành. Cùng với đó là hoạt động đào tạo nhân viên, xây dựng KPI liên quan đến ESG cho từng bộ phận hoặc khuyến khích nhân viên; có thủ tục, quy trình rõ ràng, chi tiết hướng dẫn thực thi mỗi sáng kiến cải thiện năng lực…

Kế hoạch và báo cáo hành động ESG cần được thông tin minh bạch, thường xuyên đến các nhà cung cấp, đến khách hàng nhằm xây dựng lòng tin với các bên liên quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực hành ESG đón đầu kỷ nguyên phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO