Ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ nhận được nhiều cơ hội lớn cả trong ngắn hạn và dài hạn khi thực hành ESG tốt.
Các nhà quản lý, đại diện lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp tư vấn đã cùng nhận định như vậy khi đề cập đến yêu cầu cấp thiết cần đẩy mạnh thực hành ESG trong hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Tiên phong thực hành ESG
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Thực hành ESG giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của tổ chức tín dụng thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho rằng, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt mà liên đới tới các rủi ro của tổ chức tín dụng (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng ...). Với ý nghĩa như vậy, thực hành ESG, các tổ chức tín dụng có thể cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận; mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, phát triển các sản phẩm tín dụng...
Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, theo ông Đào Minh Tú, các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã luôn tiên phong đi đầu, tích hợp các tiêu chuẩn ESG trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chuyển đổi số, nâng cao năng lực; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…
Triển khai hoạt động ESG trong ngành ngân hàng được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng. Thông tin về các kết quả cụ thể, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: đến 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Vốn xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33% trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy ESG
Trong thời gian tới, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bà Hà Thu Giang cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ tổ chức tín dụng tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường huy động nguồn lực; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, bà Hà Thu Giang cho rằng, cần có sự phối kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc trường Đào tạo cán bộ, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG ngân hàng Agribank kiến nghị Chính sớm ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh; có chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon…
Đại diện ngân hàng Agribank đề xuất cần xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về việc tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay cũng như không cấp hoặc hạn chế tín dụng mới đối với những dự án tác động xấu đến môi trường.
Tham khảo mô hình, cơ chế từ các quốc gia trên thế giới, đại diện ngân hàng Agribank đề xuất Chính phủ có thể nghiên cứu mô hình của Barbados - “Hoán đổi nợ lấy khí hậu”. Đây là phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm khai thác tài chính tư nhân thông qua chuyển đổi nợ vì khí hậu. Theo Cơ chế chuyển đổi nợ vì khí hậu, Chính phủ cần đàm phán với các chủ nợ quốc tế điều chỉnh lại các điều khoản thanh toán, thời gian trả nợ và lãi suất để tài trợ cho các dự án khí hậu thay vì dùng trả cho các chủ nợ.