Biển Đỏ "rực lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa

CẨM ANH 21/12/2023 03:30

Chuỗi cung ứng hàng hóa của châu Á đã rơi vào tình trạng bất ổn trong mùa nghỉ lễ cao điểm sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ.

>> Sự cố kênh đào Suez: Doanh nghiệp cần phương án dự phòng cho bất ổn chuỗi cung ứng

Tuyến đường

Tuyến đường vận chuyển hàng hóa của châu Á qua kênh đào Suez đang gặp bất ổn

Được biết, phiến quân Houthi đã tấn công vào các tàu chạy qua Biển Đỏ, nơi kết nối với tuyến đường huyết mạch đến châu Âu qua Kênh đào Suez.

Các hãng tàu, dẫn đầu bởi công ty vận tải container lớn thứ hai thế giới AP Moller-Maersk đã đình chỉ hoạt động của các tàu trên tuyến đường này kể từ cuối tuần trước. Được biết, khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez - nối Địa Trung Hải với biển Đỏ và là tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á.

Phiến quân Houthi đã tấn công 10 tàu, và cho biết rằng họ đang nhắm mục tiêu vào những tàu có liên hệ với Israel, quốc gia đang vướng vào cuộc chiến với Hamas. Phiến quân này cũng đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa chống lại Israel, cách đó hơn 1.000 dặm (1.600km).

Theo Cedomir Nestrovic, giáo sư địa chính trị tại Trường Kinh doanh ESSEC Châu Á-Thái Bình Dương của Singapore, các tàu đã buộc phải chuyển hướng quanh Mũi Hảo Vọng, khiến hành trình kéo dài thêm hai tuần, hoặc thêm 30-40% thời gian giữa châu Á và châu Âu.

Ông nói: “Chi phí nhập khẩu sẽ cao hơn đối với các mặt hàng thực phẩm dễ hỏng có thời hạn sử dụng hạn chế như phô mai, bơ và cá hồi cũng như đồ uống như rượu vang”. Đồng thời, chuyên gia này cho biết thêm, xuất khẩu đồ điện tử và phụ tùng ô tô từ châu Á sang châu Âu cũng có khả năng gặp khó khăn do tắc nghẽn vận chuyển.

Sự biến động trong cơ cấu vận tải hàng hóa cũng có thể thúc đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang một số khu vực nhất định của Châu Á.

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi đã làm gia tăng lượng giao thông trên kênh đào Suez, nơi đang có mực nước thấp do hạn hán trong khu vực.

Các công ty hậu cần và giao nhận đã cảnh báo một bức tranh ảm đạm về tác động đối với hoạt động vận chuyển, đồng thời cho rằng tình hình hiện nay giống như một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng từng xảy ra trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch, nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Theo nhà cung cấp giải pháp thương mại toàn cầu Flexport, 90% tàu container đi qua kênh Suez đang tạm dừng hoặc định tuyến lại. Điều này có thể làm giảm khoảng 1/4 tổng công suất toàn cầu, gây tăng giá và trì hoãn vận chuyển.

Giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất khoảng 79 USD/thùng trong hai tuần sau các cuộc tấn công của phiến quân vào các tàu vận chuyển, gây ảnh hưởng đến phần lớn các nước châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ. 

Reuters đưa tin, những động thái này là tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã lan sang hoạt động vận chuyển năng lượng. Bà Vandana Hari, người sáng lập công ty tư vấn năng lượng Vanda Insights có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Xét về cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng và các điểm nghẽn dễ bị tổn thương, thị trường luôn có rất ít kịch bản dự phòng để có thể đối phó với những gián đoạn lớn”.

>> 4 “con sóng” hồi cho ngành vận tải biển

Nhiều hãng vận tải hãng vận tải biển đình chỉ tuyến hải trình đi qua Biển Đỏ

Nhiều hãng vận tải biển đình chỉ tuyến hải trình đi qua Biển Đỏ

Hiện nay, các chủ hàng quốc tế đã bắt đầu tính giá cước vận chuyển cao hơn với các điểm đến và đi từ châu Á. G Chandrasekhar, một chuyên gia hàng hóa lưu ý, giá cước vận tải đã tăng khoảng 10% và phí bảo hiểm cũng sẽ tăng. Ông cho biết thêm rằng việc vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và phương Tây đang bị trì hoãn.

Chỉ số Baltic Dry, một chỉ số quan trọng về chi phí vận chuyển, đang đạt gần mức cao nhất trong hai năm.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn là căng thẳng địa chính trị sẽ cản trở sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Jamus Lim, Phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh ESSEC Châu Á-Thái Bình Dương và là chuyên gia về Trung Quốc và Đông Nam Á, cảnh báo: “Sự gián đoạn này sẽ làm tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã đứt gãy trong suốt năm 2023".

Một số ý kiến dự báo rằng có khả năng tình hình sẽ được xoa dịu, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có thể phản ứng hiệu quả nhanh đến mức nào. Trước mắt, Mỹ tuyên bố triển khai lực lượng hải quân đa quốc gia bao gồm Canada, Pháp, Italia, Anh, Bahrain và Seychelles để bảo vệ thương mại ở Biển Đỏ sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi. 

Có thể bạn quan tâm

  • 4 “con sóng” hồi cho ngành vận tải biển

    4 “con sóng” hồi cho ngành vận tải biển

    04:30, 21/10/2023

  • Ngành vận tải biển sẽ phục hồi trong năm 2024?

    Ngành vận tải biển sẽ phục hồi trong năm 2024?

    00:30, 03/09/2023

  • Hồi chuông cảnh báo từ sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez

    Hồi chuông cảnh báo từ sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez

    14:55, 29/03/2021

  • Sự cố kênh đào Suez: Doanh nghiệp cần phương án dự phòng cho bất ổn chuỗi cung ứng

    Sự cố kênh đào Suez: Doanh nghiệp cần phương án dự phòng cho bất ổn chuỗi cung ứng

    14:00, 29/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Biển Đỏ "rực lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO