Các doanh nghiệp Việt cần chủ động lên phương án dự phòng thích ứng và chống chịu với biến động ở bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu tác động đến chuỗi cung ứng.
Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do thiếu container rỗng từ tác động của dịch Covid-19, sự cố kênh đào Suez đã làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kênh đào Suez là tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới. Với Việt Nam đây là tuyến đường giao hàng với châu Âu và một phần của bờ đông nước Mỹ.
Trong khi đó, châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tính theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều. Chúng ta đã ký được hiệp định thương mại tự do của EU và Anh do vậy lưu lượng thương mại gia tăng, đồng nghĩa khối lượng hàng hóa qua kênh đào Suez tăng tương ứng.
Theo dữ liệu mới đây từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 7,71 tỷ USD hàng hóa sang châu Âu, trong đó các thị trường EU là 6,05 tỷ USD.
Trong đó, những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang khối thị trường EU của Việt Nam là: Điện thoại các loại và linh kiện 1,38 tỷ USD (10,06 tỷ USD trong năm 2020); Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện 964 triệu USD (6,51 tỷ USD năm 2020); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 697 triệu USD (3,49 tỷ USD năm 2020); Hàng dệt may 440 triệu USD (3,68 tỷ USD năm 2020); Giày dép 721 triệu USD; Thủy sản 135,15 triệu USD...
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nguồn cung cấp gần một phần tư lượng cà phê nhập khẩu của EU, theo Eurostat. Điều này đồng nghĩa với khi kênh đào Suez đóng cửa, xuất khẩu các mặt hàng này sẽ đình trệ, các thương nhân sẽ cần tìm một con đường mới để những hạt cà phê này đến được các cảng cà phê châu Âu, The Wall Street Journal nhận định.
Do đó, việc ùn tắc tại Suez khiến giao dịch thương mại của lượng hàng hóa này bị chậm lại đáng kể, từ đó phát sinh chi phí, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cũng ảnh hưởng đến việc nhập nguyên liệu sản xuất.
Một phương án được nghiên cứu là các tàu có thể đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để qua Đại Tây Dương đến châu Âu. Tuy nhiên, hành trình này sẽ kéo dài thời gian thêm 10-15 ngày, chi phí tốn kém hơn. Hơn nữa, hàng của doanh nghiệp Việt Nam được xếp trên nhiều tàu khác nhau, từ nhiều chủ hàng ở các nước khác nhau, nên việc điều hướng tàu cần trao đổi chặt giữa các hãng tàu.
Được biết, sau một nỗ lực quốc tế, con tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez đã nổi trở lại sau 6 ngày mắc kẹt. Theo đó, phần đuôi của con tàu đã di chuyển, nổi một phần. Vẫn còn những việc phải làm để cho đến khi nó được giải phóng hoàn toàn.
Tuy nhiên, con tàu có tải trọng 224.000 tấn và dài gần bằng tòa nhà Empire State đặt ngang, Ever Given đã chặn con đường biển huyết mạch suốt từ 23/3. Các thống kê cho thấy dòng chảy thương mại đường biển trị giá 10 tỷ USD/ngày đã bị tắc nghẽn suốt 6 ngày qua.
Có tới 12% khối lượng thương mại toàn cầu đi qua đây, và sẽ phải mất thêm 1 tuần nếu như lựa chọn tuyến đường khác là vòng qua Mũi Hảo Vọng để đi từ châu Á đến châu Âu.
Ít ai dự báo được chỉ 1 con tàu có thể làm tê liệt một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới lâu đến vậy, nhưng Ever Given chính là lời nhắc nhở to lớn về sự mong manh của chuỗi cung ứng. Chúng ta đã mất tới 1 tuần để giải quyết sự cố và đưa kênh đào Suez hoạt động bình thường trở lại, phục vụ 19.000 tàu mỗi năm.
Điều đáng nói, kênh đào Suez chỉ là một trong số rất nhiều vị trí đắc địa mà hoạt động thương mại trên biển phải dựa vào. Bên cạnh đó còn có kênh đào Panama kết nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương; eo biển Hormuz nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman. Điều này có nghĩa, kể cả khi không có 1 con tàu có chiều dài bằng với tòa nhà Empire State chắn ngang, những điểm này đang phải gánh chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết.
Trong tương lai khi những tuyến đường biển có thể lại bị gián đoạn, có lẽ cần cẩu, máy đào và tàu kéo là chưa đủ để khắc phục sự cố. Do đó, các chính phủ và doanh nghiệp cần chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ hơn.
Đại diện Bộ Công Thương ông Trần Thanh Hải cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tác động về chính trị, thiên tai, dịch bệnh...đều có thể ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động lên phương án thích ứng và chống chịu với biến động ở bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu tác động đến chuỗi cung ứng, xây dựng phương án dự phòng cho trường hợp bất ổn”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
14:55, 29/03/2021
04:30, 28/03/2021